Có 4 loại chiến lược giao dịch chủ động thường gặp phổ biến. Đó là giao dịch trong ngày, giao dịch vị thế, giao dịch swing và giao dịch lướt sóng (scalping). Hãy cùng Cafeforex tìm hiểu thêm về những chiến lược này với bài viết sau.

Trong bài này
- Giao dịch chủ động là một chiến lược nhằm ‘đánh bại thị trường’ thông qua việc xác định và tính thời gian cho các giao dịch có lợi, thường là trong một khoảng thời gian nắm giữ ngắn.
- Trong giao dịch chủ động, có một số chiến lược tổng quát có thể áp dụng.
- Giao dịch trong ngày, giao dịch theo vị thế, giao dịch swing trading và giao dịch lướt sóng là bốn phương pháp giao dịch chủ động thường gặp.
Giao dịch chủ động là gì?
Giao dịch chủ động (active trading) là việc mua và bán chứng khoán để thu về lợi nhuận từ các biến động giá trong ngắn hạn. Tư duy của các trader giao dịch chủ động khác với tư duy của các nhà đầu tư áp dụng chiến lược mua và giữ trong dài hạn – chiến lược thường thấy ở các nhà đầu tư thụ động hoặc đầu tư chỉ số. Các trader chủ động tin rằng những biến động ngắn hạn bắt theo xu hướng thị trường chính là nơi tạo ra lợi nhuận.
Có nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện một chiến lược giao dịch chủ động. Mỗi phương pháp được áp dụng cho một môi trường thị trường và rủi ro thích hợp. Dưới đây là 4 trong số các chiến lược giao dịch chủ động phổ biến nhất và chi phí gắn với mỗi chiến lược.
1. Giao dịch trong ngày (day trading)
Giao dịch trong ngày có lẽ là phong cách giao dịch chủ động được biết đến nhiều nhất. Phương pháp này thường được xem là đại diện cho cả trường phái giao dịch chủ động. Giao dịch trong ngày, như tên gọi, là phương thức mua và bán chứng khoán trong cùng một ngày. Các vị thế được mở ra và đóng lại trong cùng một ngày và không có vị thế nào được giữ qua đêm. Trong quá khứ, giao dịch trong ngày được thực hiện bởi các trader chuyên nghiệp. Chẳng hạn như các chuyên gia hoặc người tạo lập thị trường. Tuy nhiên, giao dịch điện tử đã mở ra khả năng giao dịch chủ động cho các trader cá nhân mới tham gia vào thị trường.
2. Giao dịch vị thế (position trading)
Một số trader xem giao dịch vị thế là một chiến lược mua và giữ chứ không phải giao dịch chủ động. Tuy nhiên, khi được thực hiện bởi một trader trình độ cao, giao dịch vị thế có thể là một hình thức giao dịch chủ động. Giao dịch vị thế sử dụng các biểu đồ dài hạn hơn – tất cả các khung thời gian từ hàng ngày đến hàng tháng và kết hợp với các phương pháp khác để xác định xu hướng của thị trường hiện tại. Kiểu giao dịch này có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần và đôi khi lâu hơn, tùy thuộc vào xu hướng của thị trường.
Các trader giao dịch theo xu hướng sẽ tìm kiếm các mức đỉnh cao hơn hoặc mức đỉnh thấp hơn để xác định xu hướng của một chứng khoán. Bằng cách nhảy vào và lướt các “sóng” này, các trader giao dịch theo xu hướng nhắm đến việc thu về lợi nhuận bất kể thị trường tăng lên hay giảm xuống.
Các trader giao dịch theo xu hướng tìm cách xác định hướng đi của thị trường, nhưng họ không cố gắng dự báo bất kỳ mức giá nào. Thông thường, các trader giao dịch theo xu hướng mở vị thế sau khi xu hướng đã tự thiết lập và thoát khỏi vị thế khi xu hướng bị phá vỡ. Điều này có nghĩa là trong các giai đoạn thị trường có nhiều biến động, giao dịch theo xu hướng sẽ trở nên khó khăn hơn và vị thế theo chiến lược này thường sụt giảm.
3. Giao dịch Swing
Khi một xu hướng phá vỡ, các trader giao dịch swing thường tham gia vào cuộc chơi. Khi kết thúc một xu hướng, thường có một số biến động về giá khi xu hướng mới chuẩn bị thiết lập chính. Các trader giao dịch swing mua hoặc bán khi biến động giá bắt đầu. Giao dịch swing thường được thực hiện trong khung thời gian dài hơn một ngày nhưng ngắn hơn so với giao dịch theo xu hướng. Các trader giao dịch swing thường tạo ra một bộ quy tắc giao dịch dựa trên phân tích kỹ thuật hoặc cơ bản.
Các quy tắc hoặc thuật toán giao dịch này được thiết kế để xác định thời điểm mua và bán chứng khoán. Mặc dù thuật toán giao dịch swing không nhất thiết phải chính xác và dự đoán được đỉnh hoặc đáy của biến động giá, thuật toán cần xác định thị trường di chuyển theo hướng này hay hướng khác. Một thị trường bị giới hạn trong một phạm vi hoặc đi ngang là một rủi ro đối với các trader giao dịch swing.
4. Giao dịch lướt sóng (scalping)
Lướt sóng là một trong những chiến lược giao dịch nhanh nhất được các trader chủ động sử dụng. Về cơ bản, chiến lược này đòi hỏi phải xác định và khai thác chênh lệch giá bid-ask rộng hơn hoặc hẹp hơn một chút so với bình thường do sự mất cân bằng tạm thời trong cung và cầu.
Trader giao dịch lướt sóng không cố gắng khai thác các biến động lớn hoặc giao dịch với khối lượng lớn. Thay vào đó, họ tìm cách tận dụng các biến động nhỏ và thường xuyên xảy ra với khối lượng giao dịch nhỏ. Vì mức lợi nhuận trên mỗi giao dịch không nhiều, các trader giao dịch lướt sóng tìm kiếm các thị trường có thanh khoản tương đối để tăng tần suất giao dịch của họ. Không giống như các trader giao dịch swing, các trader lướt sóng thích các thị trường yên tĩnh không có nhiều biến động giá đột ngột.

Chi phí gắn với các chiến lược giao dịch chủ động
Có một lý do khiến các chiến lược giao dịch này chỉ được sử dụng bởi các trader chuyên nghiệp. Việc có một công ty môi giới nội bộ không chỉ giúp giảm chi phí liên quan đến giao dịch tần suất cao mà còn đảm bảo thực hiện giao dịch tốt hơn. Phí hoa hồng thấp hơn và thực thi lệnh giao dịch tốt hơn là hai yếu tố cải thiện tiềm năng lợi nhuận của các chiến lược giao dịch chủ động.
Ngoài dữ liệu thị trường theo thời gian thực, các chiến lược giao dịch chủ động thường đòi hỏi phải mua một số lượng đáng kể phần cứng và phần mềm. Các chi phí này khiến cho việc giao dịch chủ động hơi nằm ngoài tầm với của các trader cá nhân, mặc dù không phải là hoàn toàn không thể làm được.
Đây là lý do tại sao các chiến lược đầu tư thụ động và đầu tư chỉ số với lập trường mua và giữ thường có mức phí và chi phí giao dịch thấp hơn, cũng như ít làm xuất hiện các sự kiện phải chịu thuế hơn trong trường hợp bán một vị thế có lãi. Tuy nhiên, các chiến lược thụ động không thể đánh bại được thị trường vì nhà đầu tư chỉ đơn thuần nắm giữ chỉ số của toàn thị trường. Các trader chủ động tìm kiếm ‘alpha,’ với hy vọng rằng lợi nhuận từ giao dịch sẽ cao hơn chi phí và tạo ra một chiến lược thành công trong dài hạn.
Kết luận
Các trader chủ động có thể sử dụng một hoặc nhiều chiến lược nói trên. Tuy nhiên, trước khi quyết định tham gia vào các chiến lược này, các rủi ro và chi phí liên quan đến mỗi chiến lược cần được xem xét cẩn thận.