Tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông gia tăng hồi cuối tuần qua đã khiến các công ty toàn cầu đã tạm dừng một số hoạt động tại Israel và yêu cầu nhân viên của họ làm việc từ xa.

Nhiều hãng hàng không châu Á, châu Âu và Mỹ đã phải dừng các chuyến bay thẳng đến Tel Aviv. Các công ty vận hành tàu du lịch Royal Caribbean và Carnival cũng điều chỉnh nhiều hành trình trong khu vực này.
Nhà sản xuất dầu khí Chevron (Mỹ) buộc phải đóng cửa mỏ khí tự nhiên Tamar ở ngoài khơi bờ biển phía bắc Israel. Trong khi đó, các ngân hàng JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Goldman Sachs yêu cầu nhân viên ở Israel làm việc tại nhà. Công ty vận chuyển toàn cầu FedEx đã dừng dịch vụ tại Israel. Các đối tác nhượng quyền của H&M và Inditex SA cũng đã tạm thời đóng cửa tất cả cửa hàng ở Israel.
Công ty dược phẩm Eli Lilly đang theo dõi chặt các diễn biến tại Israel nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên. Công ty đang nỗ lực đảm bảo tất cả các hoạt động vận hành quan trọng vẫn diễn ra nhằm duy trì nguồn cung không gián đoạn các sản phẩm thuốc cho bệnh nhân trong khu vực này.
Diễn biến tại Trung Đông đe dọa làm giảm sút lòng tin vào nền kinh tế toàn cầu
Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế Agustin Carstens cho rằng, bất ổn tại Trung Đông có thể khiến các ngân hàng trung ương đối mặt với các xu hướng lạm phát mới, làm giảm sút lòng tin vào nền kinh tế trong thời điểm có thêm hy vọng kiểm soát được lạm phát.
Theo ông Carstens, xung đột có thể đưa đến một loạt các yếu tố khó dự đoán đối với kinh tế toàn cầu vốn đã chậm lại. Xung đột khiến các ngân hàng trung ương đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, có thể gây thêm sức ép lạm phát, do Trung Đông không chỉ tập trung các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Iran và Saudi Arabia mà còn có các tuyến vận tải biển quan trọng qua vịnh Suez.
Nhà kinh tế trưởng Karim Basta tại III Capital Management nhận định, xung đột có thể khiến giá dầu tăng, gây rủi ro đối với cả lạm phát và triển vọng tăng trưởng, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải cân nhắc liệu giá cả tăng hay tăng trưởng chậm lại sẽ là lo ngại lớn hơn.
Ngoài ra, rất nhiều thông tin kinh tế – tài chính quốc tế khác cũng đã thu hút sự quan tâm chú ý của giới đầu tư.
IMF kêu gọi các nước giàu tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết nợ
Tại Hội nghị mùa Thu thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Morocco hôm 9/10, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các nước giàu tăng cường hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với nghèo đói và biến đổi khí hậu.

Theo bà Georgieva, 2 tổ chức tài chính này cần nâng cao năng lực để hỗ trợ các quốc gia cần trợ giúp, bao gồm cung cấp các khoản vay không lãi suất “trên quy mô lớn hơn”. IMF kêu gọi cải tổ hệ thống hạn ngạch đóng góp tài chính của các quốc gia thành viên để tăng hỗ trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
IMF cũng đang tìm cách bổ sung các cơ chế cho vay ưu đãi cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã kiệt sức vì đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine, xem xét thay đổi cơ cấu quản lý để nâng cao tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển.
Mỹ: Các ngân hàng phát triển đa phương cần đẩy mạnh cải cách
Bộ Tài chính Mỹ đang hối thúc WB và các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) khu vực khác hoàn tất các quy định mới về việc tăng cường các cam kết góp vốn nhằm tăng năng lực cho vay vào tháng 4/2024. Việc tăng nhanh nguồn vốn có thể huy động ngay sẽ tăng đáng kể nguồn tài trợ cho các quốc gia đang phát triển.
Mỹ thúc đẩy các cải cách nhằm tăng năng lực cho vay của WB mỗi năm, sau khi đánh giá của một ủy ban các chuyên gia kết luận rằng các thiết chế tài chính, các bên đóng góp là các chính phủ và các cơ quan xếp hạng tín nhiệm quá e ngại trước các rủi ro tài chính.
Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi được cho là cần 2.400 tỷ USD mỗi năm để giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu – con số vượt xa khả năng đáp ứng hiện nay. Tháng 9/2023, WB đề xuất tăng khoản vay cho các nước đang phát triển thêm 100 tỷ USD trong một thập kỷ.
Citigroup bán hoạt động ngân hàng tiêu dùng cho HSBC
Ngày 9/10, Citigroup Inc thông báo bán hoạt động ngân hàng tiêu dùng, bao gồm cả khách hàng, các tài sản thuộc quyền quản lý (AUM) và tiền gửi trị giá khoảng 3,6 tỷ USD, cho HSBC Holdings Plc. Thỏa thuận sẽ đẩy nhanh quá trình rút khỏi hoạt động ngân hàng tiêu dùng tại Trung Quốc của Citi.

Tháng 4/2021, Citi lần đầu tiên công bố kế hoạch này nằm cải tổ chiến lược trên toàn cầu. Hoạt động ngân hàng tiêu dùng chủ yếu phục vụ các khách hàng giàu có qua các hình thức tiền gửi, quỹ và các khoản đầu tư liên kết với thị trường.
Nguyên nhân khiến Citi thu hẹp quy mô hoạt động ngân hàng tiêu dùng tại Trung Quốc là do các ngân hàng Trung Quốc và các đối thủ nước ngoài như Standard Chartered có nhiều chi nhánh ngân hàng bán lẻ hơn, chịu trách nhiệm quản lý tài sản.
Tình trạng dư thừa chip khiến lợi nhuận quý III của Samsung dự kiến giảm mạnh
Nhà sản xuất chip nhớ, điện thoại thông minh và máy thu hình (TV) hàng đầu thế giới Samsung Electronics (Hàn Quốc) có thể sẽ bị giảm 80% lợi nhuận kinh doanh quý III so với cùng kỳ năm trước.

Theo các nhà phân tích, lợi nhuận hoạt động của Samsung có khả năng giảm xuống 2.100 tỷ won (1,56 tỷ USD). Con số này sụt giảm rất mạnh so với lợi nhuận hoạt động 10.850 tỷ won cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm này là do ngành sản xuất chip có thể lỗ hàng quý từ 3.000 – 4.000 tỷ won sau khi giá chip nhớ giảm xuống mức đáy và không phục hồi nhanh như dự đoán. Ngoài ra, việc Samsung cắt giảm sản lượng sản xuất chip cũng gây thiệt hại đến quy mô tăng trưởng kinh tế, làm tăng chi phí sản xuất chip.