Visa đã là một gã khổng lồ ở hiện tại và nhiều khả năng sẽ giữ còn vị thế này trong tương lai.
Ý chính
Xu hướng từ bỏ tiền mặt ngày càng lan rộng đã giúp Visa tăng trưởng đáng kể.
- Visa đang tích cực tham gia vào lĩnh vực công nghệ tài chính.
- Mạng thanh toán này đã có nhiều năm tăng trưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một bánh răng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Bạn đang muốn thêm cổ phiếu công nghệ tài chính (fintech) vào danh mục đầu tư của mình? Đó có lẽ là một ý tưởng tốt. Các công ty Fintech tập trung vào mục tiêu đổi mới cách thức dòng tiền di chuyển trong nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường fintech toàn cầu hiện nay trị giá khoảng 165 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 400 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, bản thân ngành này có chút phức tạp. Có nhiều lĩnh vực trong fintech và đó là một không gian có tính cạnh tranh cao mà không phải lúc nào nhà đầu tư cũng có thể dễ dàng cập nhật tin tức.
Một điểm vào tuyệt vời cho các nhà đầu tư dài hạn đang xem xét cổ phiếu fintech là công ty thanh toán Visa (V). Hãy cùng phân tích vai trò của Visa trong lĩnh vực công nghệ tài chính và lý do tại sao cổ phiếu này xứng đáng có một vị trí trong danh mục đầu tư của bạn.
Fintech là đường cao tốc và Visa là trạm thu phí
Cách thức hoạt động của nền kinh tế nói chung có thể khá phức tạp. Một cách hiểu đơn giản mà bạn có thể sử dụng là tưởng tượng đó như một hệ thống đường cao tốc. Khi ô tô di chuyển trên đường để đi từ điểm này đến điểm khác, cũng như cách dòng tiền di chuyển trên các mạng thanh toán. Bất cứ khi nào bạn quẹt thẻ thanh toán hoặc thực hiện thanh toán kỹ thuật số, thông tin sẽ di chuyển qua lại trên các “con đường số” này để thực hiện yêu cầu, phê duyệt và chuyển tiền giữa người bán và ngân hàng nơi có tiền của bạn.
Visa và các công ty thanh toán khác cung cấp “con đường” thu phí chuyên dụng (mạng thanh toán an toàn) để tiền di chuyển và hoạt động như những trạm thu phí. Những công ty này tính phí (tương tự phí cầu đường) cho người bán để chuyển tiền qua lại giữa các địa điểm khác nhau một cách an toàn. Nền kinh tế toàn cầu có nhiều mạng thanh toán, có thể kể đến Visa, Mastercard, American Express, Discover và UnionPay của Trung Quốc là những cái tên lớn nhất.
Đây là một ngành có tính cạnh tranh cao, nhưng Visa nắm giữ thị phần lớn nhất với 40%. Khi ngày càng có nhiều giao dịch diễn ra bằng phương tiện kỹ thuật số (không dùng tiền mặt), Visa đã được hưởng lợi từ sự gia tăng ổn định này. Trên toàn thế giới, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt chỉ đạt dưới 400 tỷ vào năm 2013. Đến năm 2022, con số đó đã tăng lên khoảng 1 nghìn tỷ.
Một mô hình kinh doanh tuyệt vời
Sự gia tăng của giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã trực tiếp thúc đẩy bánh xe tăng trưởng mạnh mẽ của Visa. Công ty đã tăng doanh thu hàng năm từ 12 tỷ USD lên gần 32 tỷ USD trong thập kỷ qua. Ngoài ra, mạng lưới của Visa đã phát triển nhanh hơn chi phí đầu tư, bảo trì hệ thống, do đó dòng tiền tự do của công ty cũng tăng với tốc độ chóng mặt, tăng từ 8 tỷ USD lên gần 19 tỷ USD.

Dòng tiền hàng tỷ USD hàng năm của Visa đã dẫn đến tăng trưởng cổ tức trong nhiều năm và hoạt động mua lại cổ phiếu ổn định; số cổ phiếu đang lưu hành đã giảm gần 18% trong 10 năm qua. Điều đó càng giúp tăng thêm chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS), tăng tỷ suất sinh lời cho các cổ đông. Visa cũng đã giữ được bảng cân đối kế toán lành mạnh; công ty có hơn 18 tỷ USD tiền mặt và các tài sản khác, có thể bù đắp tổng số nợ khoảng 20 tỷ USD, khoản nợ ròng chỉ 2 tỷ USD.
Đan xen vào hiện tại và tương lai của fintech
Một công ty có nguồn vốn dồi dào và vững chắc trong nền kinh tế như Visa sẽ vẫn là một khoản đầu tư tuyệt vời trong dài hạn. Mô hình kinh doanh mạng thanh toán của hãng sẽ không sớm thoái trào. Mặc dù thẻ thanh toán được phát minh vào năm 1950 và Visa được thành lập vào năm 1958, hiện tại tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán cho 1/5 giao dịch trên toàn thế giới. Quá trình chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt có lẽ vẫn còn nhiều năm nữa.
Ngoài ra, Visa đã chủ động tham gia vào lĩnh vực công nghệ tài chính và các công nghệ thanh toán mới nổi. Công ty có một bộ phận fintech và hợp tác với hàng chục công ty khác để đảm bảo hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình không bị gián đoạn khi các đối thủ mới xuất hiện. Visa đã cố gắng mua lại Plaid với giá 5,3 tỷ USD vào năm 2020, nhưng thương vụ này đã bị chính phủ hủy bỏ do lo ngại về mặt pháp lý rằng Visa sẽ có quá nhiều quyền lực trong lĩnh vực thanh toán.
Chiến lược tiếp cận chủ động của Visa đối với công nghệ tài chính khiến đây trở thành một khoản đầu tư cân bằng tiềm năng, xét đến trong cả tình trạng công nghệ thanh toán hiện tại và tương lai của công nghệ tài chính. Cũng khó để tìm được một mô hình kinh doanh đã được chứng minh và sinh lời như của Visa. Những nhà đầu tư mới làm quen với Fintech nên xem xét kỹ Visa như một điểm khởi đầu tuyệt vời.