Mô hình dòng tiền là một cách tiếp cận đã được thời gian kiểm chứng. Nó được dùng để ước tính giá trị hợp lý cho bất kỳ khoản đầu tư cổ phiếu nào. Và dưới đây sẽ là những kiến thức cơ bản để sử dụng nó.
Cách sử dụng mô hình dòng tiền để định giá cổ phiếu
Không dễ để tìm ra giá trị cổ phiếu của một công ty. Thị trường chứng khoán cố gắng định giá các doanh nghiệp dựa trên tương lai, nhưng ít nhất đó vẫn là những phỏng đoán có cơ sở. Tương lai tươi sáng hơn đồng nghĩa cổ phiếu có giá trị cao hơn, trong khi tương lai mờ nhạt hơn đồng nghĩa cổ phiếu có giá trị thấp hơn.
Cuối cùng, chính khả năng tạo ra tiền mặt của công ty theo thời gian sẽ xác định giá trị thực sự của nó. Người ta có thể sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền để ước tính giá trị của cổ phiếu dựa trên những dự đoán về dòng tiền trong tương lai. Tương tự như các công cụ dự báo khác, mô hình có thể không hoàn hảo. Nhưng với những giả định hợp lý, nó có thể giúp bạn tiến gần đến trạng thái có thể đưa ra quyết định mua và bán hợp lý. Với lưu ý đó, dưới đây là tóm lược cách sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền để định giá cổ phiếu.
Xem thêm: Cảnh báo bản chất lừa đảo tinh vi của sàn Tradereview

Xây dựng ước tính của bạn về tương lai
Có rất nhiều công ty cung cấp ước tính về tốc độ tăng trưởng dự kiến trong vài năm tới trên trang quan hệ cổ đông. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Phố Wall sẽ công bố dự đoán tốc độ tăng trưởng tiềm năng của một vài công ty khác. Bên cạnh đó sẽ có một vài công ty khá im lặng về triển vọng của họ, nhưng việc xây dựng hồ sơ theo dõi tốt có thể cung cấp manh mối cho những gì tương lai sẽ mang lại.
Dù bạn sử dụng nguồn dự báo nào, hãy cân nhắc triển vọng của công ty có thể nằm ở đâu đó dọc theo đường cong chữ S. Điều đó đồng nghĩa khi bạn đang lập mô hình tăng trưởng, bạn nên kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của từng công ty sẽ chậm lại theo thời gian. Đương nhiên vẫn có khả năng công ty liên tục tự tái thiết, nhưng một khi công ty càng lớn, tốc độ tăng trưởng càng khó mở rộng hơn. Chính vì thế bạn đừng nên cho rằng khả năng tăng trưởng sẽ vươn cao mãi.
Cách tiếp cận ba giai đoạn
Khi nói đến mô hình hóa tương lai, nhiều người sử dụng cách tiếp cận ba giai đoạn. Trong phương pháp đó, một chiến thuật phổ biến là giả định năm năm có tốc độ tăng trưởng nhanh, năm năm có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn hơn, và sau đó là tốc độ tăng trưởng giảm tốc trong một khoảng thời gian dài sau đó.
Một nguyên tắc khá phù hợp khác cần tuân thủ là vào thời điểm chuyển sang giai đoạn tăng trưởng liên hoàn, bạn không nên chọn tỷ lệ nhanh hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến trong dài hạn của bạn.
Tìm ra tỷ lệ chiết khấu của bạn
Tỷ lệ chiết khấu trong mô hình chiết khấu dòng tiền thể hiện tỷ lệ hoàn vốn cần để chấp nhận rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào công ty. Tỷ lệ chiết khấu của bạn càng cao, mô hình của bạn sẽ có giá trị hợp lý càng thấp. Tỷ lệ chiết khấu của bạn càng thấp, thì mô hình có giá trị hợp lý càng cao. Đây là lý do chính tại sao các nhà bình luận thị trường thường cho rằng khi giá cổ phiếu tăng quá cao, lợi nhuận thị trường trong tương lai có thể sẽ giảm xuống.
Theo nguyên tắc chung, tỷ lệ chiết khấu của bạn ít nhất phải cao bằng tỷ suất lợi nhuận của tài sản đầu tư thay thế. Nếu bạn nghĩ rằng công ty này đặc biệt rủi ro, tỷ lệ chiết khấu nên cao hơn thế nữa. Vì sao ư? Nếu bạn có thể đầu tư số tiền tương tự vào một tài sản khác có mức lợi nhuận tiềm năng cao hơn, cớ gì bạn phải đầu tư vào tài sản này?
Ngoài ra, để thực hiện phép toán của mô hình, tỷ lệ chiết khấu của bạn cũng phải luôn cao hơn tỷ lệ tăng trưởng liên hoàn để ước tính tương lai dài hạn của công ty.
Giả sử:
Tỷ lệ chiết khấu của bạn là 10%. Mỗi đô la lợi nhuận bạn kỳ vọng thu được từ công ty sau một năm tới sẽ có giá trị khoảng 0,91 đô la đối với bạn, bởi vì bạn đang chiết khấu khoản tiền sau một năm đó về hiện tại với tỷ suất chiết khấu là 10%. Phép toán liên quan là $1/((1+0,1)^1). Tương tự, mỗi đô la mà bạn mong đợi nhận được từ công ty trong hai năm tới sẽ có giá trị khoảng 0,83 đô la đối với bạn, vì bạn đang chiết khấu khoản tiền sau hai năm về hiện tại với tỷ suất chiết khấu 10%. Phép toán liên quan là $1/((1+0,1)^2).
Thu nhập dự kiến trong tương lai càng xa, thì mỗi đô la dự kiến sẽ càng có ít giá trị hơn.
Tính toán
Khi bạn đã ước tính được dòng tiền của công ty và tỷ lệ chiết khấu của mình, mô hình chiết khấu dòng tiền sẽ trở thành một bài toán khá đơn giản. Bảng dưới đây cho thấy các bước cần tính toán trong mô hình ba giai đoạn cho một công ty với các đặc điểm sau:
- Dòng tiền 1.000.000 đô la trong năm qua
- Tốc độ tăng trưởng ước tính 12% trong 5 năm tới
- Tỷ lệ tăng trưởng liên hoàn ước tính là 3% – phù hợp với lạm phát dài hạn trong lịch sử
- Hồ sơ theo dõi rủi ro phù hợp với tỷ lệ chiết khấu 10% áp dụng trong mô hình
Chi tiết:
Năm | Dòng tiền dự kiến | Tỷ lệ tăng trưởng so với năm trước | Dòng tiền được chiết khấu |
1 | $1.120.000 | 12% | $1.018.182 |
2 | $1.254.400 | 12% | $1.036.694 |
3 | $1.404.928 | 12% | $1.055.543 |
4 | $1.573.519 | 12% | $1.074.735 |
5 | $1.762.342 | 12% | $1.094.276 |
6 | $1.868.082 | 6% | $1.054.484 |
7 | $1.980.167 | 6% | $1.016.139 |
8 | $2.098.977 | 6% | $979.188 |
9 | $2.224.916 | 6% | $943.581 |
10 | $2.358.411 | 6% | $909.269 |
Liên hoàn | $34.702.329 | 3% | $13.379.250 |
Ước tính giá trị hợp lý của công ty theo mô hình: | $23.561.342 |
Tính toán của tác giả.
Cộng tổng các dòng tiền dự kiến chiết khấu của mỗi năm và bạn sẽ có được ước tính giá trị hợp lý của mô hình của mình đối với công ty. Chia số đó cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành (và điều chỉnh với số lượng cổ phiếu dự kiến bị pha loãng theo thời gian) và bạn sẽ nhận được giá trị hợp lý của công ty bạn đang xem xét. Ví dụ: nếu công ty này có 1.000.000 cổ phiếu đang lưu hành và không có rủi ro pha loãng cổ phiếu, bạn sẽ ước tính giá trị hợp lý của nó là 23,56 đô la/cổ phiếu.
Điểm có chút lạ trong bảng bên trên là dòng giá trị “liên hoàn”. Dòng này sử dụng công thức chiết khấu giá trị gia tăng liên hoàn về hiện tại, và thường được các nhà đầu tư cổ tức gọi là Mô hình tăng trưởng Gordon. Phép toán đơn giản được thực hiện bằng cách lấy dòng tiền ước tính tiếp theo và chia nó cho chênh lệch giữa tỷ lệ chiết khấu và tỷ lệ tăng trưởng liên hoàn ước tính của bạn.
Kiểm tra ước tính của bạn so với giả định của thị trường
Với mô hình của bạn trong tay, bạn có thể so sánh kết quả tính toán của mình với những ước tính của thị trường. Nhiều khả năng số liệu của bạn sẽ không khớp hoàn toàn với thị trường. Nhưng điều đó không vấn đề. Bởi thị trường hoạt động trên các quan điểm đầu tư khác nhau. Do cần phải có người bán cổ phiếu khi bạn sẵn sàng mua (và ngược lại).
Ở đây bạn có thể sử dụng mô hình để kiểm tra các giả định và ước tính của bạn từ dữ liệu lịch sử so với cách thị trường định giá công ty. Nếu bạn thực hiện các điều chỉnh đối với ước tính dòng tiền hoặc tỷ lệ chiết khấu (hoặc cả hai), bạn có thể nhận được giá trị của mình gần hơn với những gì thị trường đang dự đoán.
Sau đó, bạn có thể sử dụng mô hình và những điều chỉnh đó để giúp bản thân đưa ra quyết định chuẩn xác hơn dựa trên dữ liệu, xem nên tin theo ước tính của thị trường hay mô hình của bạn. Trong thực tế, sẽ chẳng ai biết được đáp án cho đến khi có câu trả lời từ thời gian. Đến thời điểm đó, ước tính giá trị của bạn dù sao cũng cần được cập nhật, dựa trên tương lai tiềm năng mới của công ty.

Đưa ra quyết định đầu tư của bạn
Khi bạn đã xây dựng mô hình và kiểm tra (hoặc điều chỉnh) so với các giả định của thị trường, bạn có thể đưa ra quyết định mua, bán hoặc nắm giữ dựa trên mức định giá cổ phiếu bạn đang nắm giữ hoặc cân nhắc nắm giữ.
Với một số nhà đầu tư, họ thường có xu hướng sẵn sàng mua nếu giá thị trường của công ty bằng hoặc thấp hơn ước tính giá trị hợp lý của họ. Mặt khác, họ thường sẽ chỉ bán nếu giá thị trường của công ty đủ cao vượt quá ít nhất là 20% mức giá ước tính sau khi đã loại tất cả các loại thuế, hoa hồng và phí. Phạm vi kể trên cho các phép các nhà đầu tư khả năng thu được lợi nhuận từ triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty, dù không phải lúc nào cũng hoàn toàn chuẩn xác.
Khi bạn xây dựng các mô hình của riêng mình và đã quen với các biến động của thị trường theo thời gian, bạn nên xác định phạm vi mua, bán và nắm giữ của riêng mình. Trong đó định rõ khả năng chấp nhận rủi ro, thoải mái với biến động và các cơ hội bị bỏ lỡ, và sẵn sàng chỉnh sửa khi phát hiện ước tính của bạn sai lầm.
Xem xét và điều chỉnh định giá và quyết định của bạn theo thời gian
Lợi ích chính của việc sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền để định giá cổ phiếu là bạn tạo ra một bộ dự báo bằng văn bản. Khi thời gian trôi qua, bạn có thể kiểm tra xem công ty có thực đã mang đến lợi nhuận như bạn dự tính hay không. Điều đó giúp bạn có cơ hội sửa đổi và điều chỉnh các dự báo và định giá của mình.
Nó cũng có thể cung cấp cho bạn một dấu hiệu cảnh báo nên ngừng luận điểm đầu tư hiện tại. Nếu nhiều năm trôi qua và dòng tiền dự kiến không bao giờ thành hiện thực hoặc thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, điều đó đồng nghĩa giá trị thực tế mà công ty tạo ra thấp hơn nhiều so với giá trị ước tính của bạn. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy luận điểm của bạn không chính xác và đã đến lúc phải bán cổ phiếu.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thị trường chứng khoán luôn cố gắng định giá các công ty dựa trên tương lai. Vì vậy, ngay cả khi dữ liệu quá khứ của cổ phiếu không đáp ứng được kỳ vọng của bạn, quyết định của bạn nên dựa trên mức giá mới hiện tại cùng với ước tính định giá cập nhật dựa trên nhóm triển vọng hiện tại.
Hãy tiếp tục sử dụng mô hình chiết khâu dòng tiền
Với mô hình chiết khấu dòng tiền, bạn có một công cụ đầu tư mạnh mẽ để ước tính giá trị hợp lý cho bất kỳ cổ phiếu tiềm năng nào. Chỉ cần nhớ rằng các phép toán của nó dựa trên những dự báo cho tương lai, và giống như bất kỳ phép dự đoán nào khác, mô hình cũng có lúc sai.
Ngay cả với những điểm không hoàn hảo đó, mô hình vẫn cung cấp cho bạn công cụ hiệu quả, đưa bạn đến với tư duy của một chủ doanh nghiệp đang tìm cách tạo ra giá trị theo thời gian thông qua các khoản đầu tư. Tư duy đó có thể giúp bạn đưa ra các quyết định đầu tư thông minh, bất kể thị trường đang có diễn biến ra sao. Chỉ riêng điều đó thôi, mô hình chiết khấu dòng tiền xứng đáng có một vị trí trong kho vũ khí đầu tư của bạn.
Hậu Dương – Theo fool.com