Cafeforexvn – Phân tích cổ phiếu giúp bạn đánh giá một công ty và quyết định xem cổ phiếu đó có đáng để thêm vào danh mục đầu tư của mình hay không.

Nghiên cứu một cổ phiếu cũng giống như chọn mua một chiếc ô tô. Bạn có thể quyết định chỉ dựa trên thông số kỹ thuật, nhưng cũng cần thiết phải cân nhắc cảm giác khi lái trên đường, danh tiếng của nhà sản xuất và liệu màu sắc của nội thất có dễ nhìn thấy lông chó dính bên trên hay không.
Các nhà đầu tư gọi tên kiểu nghiên cứu chứng khoán này là phân tích cơ bản.
Tức là, xem xét đến một loạt các yếu tố như tình hình tài chính, đội ngũ lãnh đạo và năng lực cạnh tranh của công ty để đánh giá một cổ phiếu và quyết định xem cổ phiếu đó có xứng đáng được thêm vào danh mục đầu tư của bạn hay không.
Phân tích cổ phiếu: 4 bước quan trọng để đánh giá bất kỳ cổ phiếu nào
Cần lưu ý trước khi bắt đầu: Cổ phiếu được coi là khoản đầu tư dài hạn vì chúng khá rủi ro; bạn cần thời gian để vượt qua những biến động giá và thu được lợi nhuận về lâu dài. Có nghĩa là đầu tư vào cổ phiếu phù hợp nhất với số tiền mà bạn sẽ không cần đến trong ít nhất 5 năm tới. (Nếu không, còn có các lựa chọn tốt hơn để tiết kiệm trong ngắn hạn.)
Thu thập các tài liệu nghiên cứu
Hãy bắt đầu từ thông tin tài chính của công ty. Đây được gọi là nghiên cứu định lượng, và nó khởi đầu bằng việc thu thập một số tài liệu mà các công ty bắt buộc phải nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ:
Mẫu 10-K: Báo cáo hàng năm gồm các báo cáo tài chính quan trọng đã được kiểm toán độc lập. Tại đây bạn có thể xem bảng cân đối kế toán của công ty, các nguồn tạo ra thu nhập, cách công ty xử lý dòng tiền, cũng như các khoản thu nhập và chi phí của công ty.
Biểu mẫu 10-Q: Báo cáo hàng quý về hoạt động và tình hình tài chính.
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể tìm những điểm chính của các báo cáo trên và một vài hệ số tài chính quan trọng trên website sàn môi giới của bạn hoặc trên các trang web tin tức tài chính lớn. Thông tin này sẽ giúp bạn so sánh hiệu quả hoạt động của công ty với các ứng cử viên khác mà bạn định đầu tư.
Thu hẹp sự quan tâm
Các báo cáo tài chính này có rất nhiều con số và dễ khiến bạn sa lầy. Tập trung vào các chỉ tiêu dưới đây để hiểu về hoạt động nội tại đo lường được của một công ty:
Doanh thu:
Đây là lượng tiền mà công ty đã kiếm được trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là điều đầu tiên bạn nhìn thấy trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, cũng là lý do tại sao nó thường được gọi là “top line” – dòng trên cùng. Đôi khi doanh thu được chia thành “doanh thu hoạt động” và “doanh thu khác”. Doanh thu hoạt động có ý nghĩa nhất vì nó hình thành từ hoạt động kinh doanh chính của công ty. Doanh thu khác thường đến từ các hoạt động kinh doanh không thường xuyên, chẳng hạn như bán tài sản.
Thu nhập ròng:
Con số “bottom line” này – được gọi như vậy vì nó được liệt kê ở cuối báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh – là tổng số tiền mà công ty kiếm được sau khi lấy doanh thu trừ đi chi phí hoạt động, thuế và khấu hao. Doanh thu giống với tổng tiền lương của bạn, và thu nhập ròng giống với những gì còn lại sau khi bạn chi trả thuế và chi phí sinh hoạt.
Lợi nhuận và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS):
Khi bạn lấy lợi nhuận chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành, bạn có được thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Tỉ lệ này cho thấy khả năng sinh lời của một công ty trên mỗi cổ phiếu, giúp dễ so sánh với các công ty khác. Khi bạn thấy sau thu nhập trên mỗi cổ phiếu có “(ttm)”, nó có nghĩa là “mười hai tháng trước đó”.
Lợi nhuận không phải là một phép đo tài chính hoàn hảo vì nó không giúp bạn hiểu cách hoặc mức độ hiệu quả một công ty sử dụng vốn của mình. Một số công ty dùng những khoản lợi nhuận này để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Số khác chia chúng cho các cổ đông dưới hình thức trả cổ tức.
Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E):
Chia giá cổ phiếu hiện tại của công ty cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu – thường trong 12 tháng qua – sẽ cho bạn tỷ lệ P/E của công ty (còn gọi là P/E trailing). Chia giá cổ phiếu cho lợi nhuận dự báo từ các nhà phân tích Phố Wall sẽ cho bạn P/E dự phóng (forward P/E). Thước đo giá trị cổ phiếu này cho bạn biết số tiền nhà đầu tư sẵn sàng trả để nhận được 1 USD lợi nhuận hiện tại của công ty.
Hãy nhớ rằng tỷ lệ P/E được tính dựa trên EPS có khả năng có sai sót trong tính toán, và ước tính của các nhà phân tích thì có hạn chế là chỉ tập trung vào ngắn hạn. Do đó, nó không phải là một số liệu độc lập đáng tin cậy.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA):
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu thể hiện theo tỷ lệ phần trăm, xem một công ty tạo ra bao nhiêu lợi nhuận từ mỗi USD mà cổ đông đã đầu tư. Vốn chủ sở hữu chính là vốn sở hữu của cổ đông. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản cho biết phần trăm lợi nhuận mà công ty tạo ra với mỗi USD tài sản của mình. Mỗi tỉ lệ được tính bằng cách chia thu nhập ròng hàng năm của công ty cho mẫu sổ tương ứng. Những tỷ lệ này phần nào cho bạn thấy được mức độ hiệu quả của công ty trong việc tạo ra lợi nhuận.
Cần lưu ý, hết sức cẩn thận với các thủ thuật. Một công ty có thể đẩy tăng Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bằng cách mua lại cổ phiếu nhằm giảm vốn sở hữu của cổ đông – mẫu số của tỉ lệ này. Tương tự, vay nợ nhiều hơn – ví dụ, các khoản vay để tăng hàng tồn kho hoặc đầu tư thêm tài sản – cũng làm tăng tổng tài sản, được sử dụng trong tính toán tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản.

Chuyển sang nghiên cứu định tính
Phân tích cổ phiếu, nghiên cứu định lượng cho thấy tình hình tài chính khá đơn điệu trong bức tranh tổng thể của công ty, thì nghiên cứu định tính mang lại những chi tiết rực rỡ giúp bạn có bức tranh chân thực hơn về hoạt động và triển vọng của công ty.
Warren Buffett có câu nói nổi tiếng rằng: “Hãy mua một cổ phiếu vì bạn muốn sở hữu công ty đó, chứ không phải vì mong đợi sự tăng giá”. Đó là bởi khi bạn mua cổ phiếu, bạn đang đổi lấy một khoản đóng góp cá nhân trong doanh nghiệp.
Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn sàng lọc các đối tác kinh doanh tiềm năng của mình:
Công ty kiếm tiền bằng cách nào?
Đôi khi điều đó rất hiển nhiên, chẳng hạn một nhà bán lẻ quần áo có hoạt động kinh doanh chính là bán quần áo. Đôi khi không phải như vậy, chẳng hạn như một công ty thức ăn nhanh có được phần lớn doanh thu từ việc nhượng quyền thương mại, hoặc một công ty điện tử dựa vào việc hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng để tăng trưởng. Một nguyên tắc chung đã đem lại hiệu quả tốt cho Buffett là: Đầu tư vào những công ty có nhận thức chung mà bạn thực sự hiểu được.
Công ty này có lợi thế cạnh tranh không?
Xác định điều gì đó ở doanh nghiệp mà đối thủ khó bắt chước, đạt được ngang bằng hay có thể vượt qua. Ví dụ như thương hiệu, mô hình kinh doanh, khả năng đổi mới, khả năng nghiên cứu, quyền sở hữu bằng sáng chế, hoạt động đặc biệt hiệu quả hoặc khả năng phân phối vượt trội, … Các đối thủ cạnh tranh càng khó vươn tới hào quang của công ty, thì lợi thế cạnh tranh càng mạnh.
Đội ngũ quản lý có tốt không?
Một công ty chỉ có thể đạt được ngang với khả năng vạch ra lộ trình và định hướng doanh nghiệp của các lãnh đạo công ty. Bạn có thể hiểu nhiều thêm về ban quản trị bằng cách đọc các phát ngôn của họ trong biên bản các hội nghị báo cáo quý hay trên báo cáo thường niên của công ty. Nên tìm hiểu về ban giám đốc của công ty, những người đại diện cho cổ đông trong các cuộc họp. Và cảnh giác với những hội đồng quản trị chủ yếu chỉ gồm những người trong công ty. Sẽ tốt hơn nếu có một lượng nhất định những người trung lập, những người có thể đánh giá khách quan các quyết định của ban quản trị.
Điều gì có thể xảy ra?
Chúng ta không nói đến sự phát triển có thể tác động đến giá cổ phiếu của công ty trong ngắn hạn, mà là những thay đổi cơ bản ảnh hưởng đến khả năng phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Xác định những tình huống tiềm ẩn nguy cơ bằng cách sử dụng các giả định “nếu như”: Bằng sáng chế quan trọng hết hạn; người kế nhiệm của CEO thực hiện thay đổi hướng phát triển kinh doanh; một đối thủ cạnh tranh tiềm năng xuất hiện; công nghệ mới đe dọa sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
Đặt nghiên cứu trong bối cảnh cụ thể
Như bạn thấy, có rất nhiều số liệu và tỷ lệ mà nhà đầu tư có thể sử dụng để đánh giá tình hình tài chính chung của một công ty và tính toán giá trị nội tại của cổ phiếu công ty đó. Nhưng chỉ nhìn vào doanh thu hoặc thu nhập của công ty trong một năm hoặc các quyết định gần đây nhất của đội ngũ quản lý sẽ tạo nên một bức tranh không hoàn chỉnh.
Trước khi mua bất kỳ cổ phiếu nào, bạn cần xây dựng một bức tranh tổng thể đầy đủ thông tin về công ty, và những yếu tố nào khiến nó xứng đáng cho một mối quan hệ đối tác lâu dài. Và để làm được điều đó cần có bối cảnh cụ thể.
Mở rộng xem xét đên những dữ liệu lịch sử để biết được công ty có thể phục hồi hay không.
Trong bối cảnh dài hạn, mở rộng lăng kính nghiên cứu của bạn để xem xét đến dữ liệu lịch sử. Điều này sẽ cung cấp cái nhìn rõ nét về khả năng phục hồi của công ty trong thời kì khó khăn, cách đối mặt với thách thức và khả năng cải thiện hiệu quả hoạt động cũng như mang lại giá trị cho cổ đông theo thời gian.
Sau đó, xem xét sự phù hợp của công ty với bức tranh toàn cảnh bằng cách so sánh các con số và tỷ lệ chính ở trên với mức trung bình của ngành và các công ty khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc lĩnh vực tương tự. Cách dễ nhất để thực hiện những so sánh này là sử dụng các công cụ nghiên cứu được cung cấp trên website của sàn môi giới của bạn, chẳng hạn như công cụ sàng lọc chứng khoán trực tuyến miễn phí.
Thủy Linh – Theo nerdwallet.com
>>> Xem thêm: Cổ phiếu tăng khi số đơn thất nghiệp giảm