Cổ phiếu Apple đã trải qua một chặng đường dài thành công. Từ mức giá IPO sau khi điều chỉnh với các đợt chia tách cổ phiếu ở mức 10 cent đến giá trị vốn hóa thị trường hơn 2 nghìn tỷ USD hiện nay. Bài viết này sẽ điểm lại những điểm nổi bật của hành trình này.

Hiện tại, cổ phiếu Apple (NASDAQ: AAPL) có vốn hóa thị trường lớn nhất tại thị trường Hoa Kỳ – mặc dù Microsoft gần đây đã gia nhập câu lạc bộ 2 nghìn tỷ USD. Hành trình như một công ty giao dịch công khai của Apple được đánh dấu bằng những lần ra mắt sản phẩm chấn động lịch sử và những đổi mới công nghệ lớn trong các chu kỳ kinh tế khác nhau.
Hôm nay, chúng ta hãy kể lại một chút về câu chuyện thành công này, cả những nốt tăng và những nốt trầm, nhưng đã tạo ra rất nhiều giá trị cho các cổ đông kể từ năm 1980.
Xem thêm: Vàng đi lên nhờ đồng USD lao dốc
Những năm 1980
- IPO: Năm 1980 khi máy tính Apple III được tung ra thị trường cũng là năm bắt đầu hành trình của Apple trên sàn chứng khoán. Với mức giá IPO 22 USD (hoặc 10 cent sau khi điều chỉnh theo các đợt chia tách sau này), Apple đã khởi động với giá trị vốn hóa thị trường 1.8 tỷ USD. Vào thời điểm đó, đây là đợt IPO lớn nhất kể từ sau IPO của Ford gần hai thập kỷ trước. Apple ra mắt thị trường chứng khoán trong một năm đánh dấu bằng sự khởi đầu của một thị trường giá tăng.
- Kỷ nguyên Macintosh: Năm 1984, chiếc máy Mac đầu tiên được ra mắt. Vào thời điểm đó, sản phẩm này được coi là một “thất bại thương mại nhưng được đánh giá cao về mặt kỹ thuật,” phần lớn là do giá thành quá cao. Thời kỳ này cũng được đánh dấu bởi những bất đồng giữa các lãnh đạo hàng đầu của Apple: CEO John Sculley, được thuê bởi nhà sáng lập nổi tiếng Steve Jobs vào thời điểm đó, và chính Jobs.
Những năm 1990
- Thời điểm khó khăn: Từ đầu những năm 1990 đến giữa năm 1997, cổ phiếu Apple mất khả năng cạnh tranh trên thị trường do một loạt các yếu tố nội bộ. Các sản phẩm không hấp dẫn người tiêu dùng đã dẫn đến sụt giảm doanh thu và Apple được cho là còn 90 ngày nữa là tuyên bố phá sản. Công ty đã được “cứu” vào thời điểm đó bởi Microsoft. Ông lớn này đã đồng ý trả 150 triệu USD cho Apple để đổi lấy một vài quyền – chẳng hạn như đặt Internet Explorer làm trình duyệt mặc định trên máy Mac. Vốn hóa thị trường của Apple vào năm 1997 ở khoảng 2.3 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với thời điểm IPO.
- Giá cả bình ổn lại: Sự ra mắt của iMac tất cả trong một (mẫu máy tính có nhiều màu mang tính biểu tượng) vào năm 1998, là một trong những dấu mốc quan trọng cho sự hồi sinh của công ty. iMac được đón nhận nồng nhiệt và giúp thúc đẩy doanh thu khiến Apple một lần nữa quay trở lại với lợi nhuận dương.
- Jobs đã trở lại: Cùng khoảng thời gian đó, vào cuối những năm 1990, Steve Jobs quay trở lại Apple – một bước phát triển quan trọng khác trong sự thay đổi của công ty. Đây là sự khởi đầu của những gì sẽ sớm trở thành một cuộc cách mạng trong các thiết bị công nghệ tiêu dùng (đặc biệt là di động).

Những năm 2000
- Đầu tiên, iPod: Vào đầu những năm 2000, vốn hóa thị trường của Apple đạt 5 tỷ USD. Thời kỳ này được đánh dấu bằng sự ra mắt của các dịch vụ sáng tạo đã mang lại cho Apple bản sắc mà công ty vẫn mang cho đến ngày nay. Năm 2001, iPod ra mắt, bán được hơn 100 triệu chiếc trong vòng sáu năm. Năm 2003, cửa hàng iTunes xuất hiện, đánh dấu bước đi đầu tiên của Apple trong lĩnh vực dịch vụ.
- MacBook và MacBook Pro: Năm 2006 chứng kiến sự ra mắt của mẫu máy tính đầu tiên trong dòng máy tính hiện tại của Apple. Cổ phiếu của Apple bắt đầu tăng giá nhanh chóng: từ năm 2003 đến năm 2006, cổ phiếu tăng từ 6 USD lên 80 USD sau khi điều chỉnh với các đợt chia tách cổ phiếu.
- AppStore: Một năm sau, vào năm 2008, Apple ra mắt AppStore, công cụ tạo ra doanh thu lớn nhất của công ty trong lĩnh vực dịch vụ hiện nay của công ty.
Các dòng điện thoại – máy tính bảng
- iPhone, kẻ thay đổi cuộc chơi: Năm 2007, Apple có lẽ đã đạt được đỉnh cao thành công với các thiết bị di động. Steve Jobs giới thiệu iPhone và Apple đã tạo ra khái niệm điện thoại thông minh. Cho đến nay, iPhone vẫn là sản phẩm tạo doanh thu quan trọng nhất của ông lớn công nghệ. Trong năm ra mắt iPhone, vốn hóa thị trường của Apple đã tăng từ 75 tỷ USD lên 100 tỷ USD.
- iPad, khái niệm máy tính bảng: Năm 2010, khi chiếc iPad đầu tiên được ra mắt thành công, lần đầu tiên Apple đã vượt qua đối thủ ngang hàng là Microsoft về vốn hóa thị trường. Vào thời điểm đó, Apple có giá trị vốn hóa 269 tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ ba trong số các công ty đại chúng trên thế giới tính theo vốn hóa thị trường – xếp sau hai ông lớn dầu khí PetroChina và Exxon Mobil.
Những năm 2010
- Vị vua của thế giới: Năm 2011, năm Steve Jobs qua đời và CEO hiện tại là Tim Cook lên thay, Apple đã trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Vốn hóa thị trường đạt 337 tỷ USD, vượt qua Exxon Mobil.
- Cơ hội cho thiết bị đeo thông minh: Sau khi cập nhật thành công toàn bộ danh mục đầu tư của mình, tăng trưởng của Apple vẫn tiếp tục. Vào năm 2015, Apple đã củng cố phân khúc thiết bị đeo của mình với sự ra mắt của Apple Watch. Năm 2016 là thời điểm của AirPods, tăng thêm doanh thu cho phân khúc đang phát triển này. Cuối năm đó, người ta thông báo rằng có một tỷ thiết bị Apple đang hoạt động trên thế giới. Vào thời điểm đó, công ty trị giá 608 tỷ USD.
- 1 nghìn tỷ USD đầu tiên: Vào tháng 8 năm 2018, Apple đạt mức vốn hóa thị trường 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên. Tuy nhiên, vào đầu năm 2019, giá trị vốn chủ sở hữu đã giảm xuống còn 746 tỷ USD sau đợt suy thoái của toàn thị trường vào Q4/2018. Apple chỉ quay trở lại mức 1 nghìn tỷ USD vào tháng 10 năm 2019.
Những năm 2020
- Nghìn tỷ thứ hai: Vào tháng 8 năm 2020, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội so với quý trước đó, Apple đã vượt qua một cột mốc quan trọng khác: 2 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường. Năm này cũng đánh dấu sự khởi động của chu kỳ 5G với sự ra mắt của iPhone 12 và sự chuyển đổi của bộ vi xử lý Intel sang chip M1 do Apple thiết kế.
- Bước tiếp theo: Động lực chính của công ty ngày nay là hệ sinh thái Apple, hệ sinh thái gắn kết các sản phẩm và dịch vụ của công ty lại với nhau và biến công ty thành một cỗ máy tạo doanh thu. Khi chúng ta chờ đợi vài chương tiếp theo trong hành trình vốn hóa thị trường đáng kinh ngạc của Apple hướng tới con số nghìn tỷ thứ ba, một số ứng viên mới cho các xúc tác tăng trưởng có thể đã xuất hiện: chu kỳ 5G đang diễn ra, chip M1 do Apple thiết kế, sự phát triển trong công nghệ thực tế hỗn hợp và một chiếc Apple Car.
Huân Hà – theo thestreet