Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thừa nhận những tác động tiêu cực của việc tăng mạnh lãi suất đang đè nặng lên các hộ gia đình, đồng thời khẳng định đó là biện pháp duy nhất giúp kiểm soát lạm phát.
Tại phiên điều trần trước Nghị viện châu Âu (EP) ở Brussels (Bỉ) ngày 25/9, bà Lagarde thừa nhận những khó khăn mà 30% hộ gia đình ở Eurozone có tài sản thế chấp đang phải đối mặt khi lãi suất tăng.
Các hộ gia đình có thu nhập thấp đang chịu gánh nặng chi phí sinh hoạt do giá nhiên liệu và giá khí đốt gia tăng. Tuy nhiên, bà Lagarde nhấn mạnh nhiệm vụ của ECB là đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% kịp thời để ổn định giá cả, qua đó giảm tác động đối với nền kinh tế. Vì thế, ECB sẽ duy trì lãi suất ở mức đủ cao trong thời gian đủ lâu để đạt mục tiêu này.
Trước đó, ngày 14/9, ECB đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp (kể từ tháng 7/2022) lên mức cao kỷ lục 4%, bất chấp những lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể khiến nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) suy thoái nặng nề.

Ngoài ra, rất nhiều thông tin kinh tế – tài chính quốc tế khác cũng đã thu hút sự quan tâm chú ý của giới đầu tư.
Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn biến động tỷ giá quá mức
Ngày 26/9, phát biểu tại một buổi, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki khẳng định mọi lựa chọn đều có thể được nhân nhắc trong việc ngăn chặn biến động quá mức trên thị trường tiền tệ, khi đồng yen tiến gần đến mức 150 yen/USD. Theo ông Suzuki, tỷ giá nên do thị trường quyết định, phản ánh các nền tảng kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản sẽ phản ứng một các thích hợp trước tình trạng biến động quá mức mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào.
Tuần trước, đồng yen tiếp tục suy yếu khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất nhưng ra tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm nữa trong năm nay.
Sau nhiều lần can thiệp vào thị trường trong năm 2022, Nhật Bản đang thận trọng theo dõi tình hình.
Quy mô nền kinh tế Saudi Arabia vượt mốc 1.000 tỷ USD
Liên đoàn Các phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia (FSC) cho biết, nền kinh tế nước này đã đạt được cột mốc quan trọng khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD.

Trong năm 2022, GDP của Saudi Arabia đã đạt 4.150 tỷ SR (1.110 tỷ USD), đáp ứng các mục tiêu của Chính phủ. Theo báo cáo của FSC, nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,7% trong năm 2022, ghi dấu mức cao nhất trong số các quốc gia thành viên Nhóm G20. Đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế Saudi Arabia đã tăng lên 1.630 tỷ SR (gần 436 tỷ USD) trong năm 2022, tương đương 41% GDP, tăng 5,3% so với năm 2021.
Đồng bạc xanh leo lên mức “đỉnh” mới trong 10 tháng
Trong ngày 26/9, đồng USD đã tăng lên mức “đỉnh” mới trong 10 tháng, trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Nhà hoạch định chính sách Neel Kashkari của Fed cho rằng, với tình hình “sức khỏe” hiện tại của nền kinh tế Mỹ, lãi suất có thể sẽ tăng trở lại và được giữ ở mức “cao hơn trong thời gian dài hơn” cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2%.
Nhận định của ông Kashkari đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 4,566% trong ngày 26/9. Lợi suất trái phiếu của Mỹ vốn được xem là mức lợi suất chuẩn tạo ra xu hướng cho lợi suất trái phiếu trên toàn thế giới. Lợi suất cao hơn của trái phiếu Mỹ đã góp phần làm tăng sức hấp dẫn của đồng bạc USD, đưa chỉ số DXY lên 106,2, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022.
Nissan đặt mục tiêu tất cả xe mới bán ra tại châu Âu vào năm 2030 là xe điện
Nhà sản xuất ô tô Nissan (Nhật Bản) cho biết sẽ sản xuất toàn bộ các mẫu xe mới bán tại châu Âu là xe điện (EV) trước năm 2030. Đây là mục tiêu của hãng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ xe xăng và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về môi trường tại châu Âu.

Hồi tháng 2/2023, Nissan đặt mục tiêu tăng tỷ lệ xe động cơ lai và xe hoàn toàn chạy điện bán tại châu Âu lên 98%. Hiện tại, 1/3 trong số hơn 1 triệu chiếc EV bán ra trên toàn cầu của Nissan là ở thị trường châu Âu. Hãng đặt mục tiêu tung ra thị trường toàn cầu 27 mẫu xe chạy bằng điện vào năm 2030, trong đó 19 mẫu xe hoàn toàn chạy điện.
Nissan đi tiên phong trong giai đoạn đầu phát triển EV nhưng đối mặt với sự cạnh tranh từ Tesla của Mỹ và BYD của Trung Quốc. Hiện các mẫu EV của Nissan có xe compact Leaf và xe thể thao đa dụng Ariya.
Ford ngừng dự án nhà máy pin xe điện 3,5 tỷ USD
Nhà sản xuất ô tô Ford (Mỹ) vừa thông báo tạm dừng xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện trị giá 3,5 tỷ USD ở bang Michigan, Mỹ, chỉ 7 tháng sau khi triển khai dự án này với đối tác Trung Quốc.
Ford hiện phải đối mặt với một cuộc đình công lớn cùng với cả hai nhà sản xuất ô tô lớn khác của Mỹ là Stellantis và General Motors. Tuy nhiên, hãng khẳng định quyết định ngừng xây dựng nhà máy này không liên quan đến cuộc đình công, mà liên quan đến khả năng vận hành và hoạt động thành công của nhà máy trong tương lai.
Tháng 2/2023, Ford đã công bố dự án nhà máy pin tại Marshall, Michigan nhằm đa dạng hóa danh mục pin. Theo kế hoạch, nhà máy pin sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026, với kỳ vọng có thể tạo thêm 2.500 vị trí việc làm mới.
Google cắt giảm việc làm ở Thụy Sĩ
Ngày 25/9, Google thông báo sẽ cắt giảm khoảng 50 việc làm ở thành phố Zurich. Đây là một phần trong kế hoạch thông báo trước đó của “gã khổng lồ” công nghệ về việc cắt giảm 12.000 việc làm trên toàn thế giới. Theo nguồn tin, tất cả 43 vị trí chịu trách nhiệm tuyển dụng sẽ bị loại bỏ, cùng với 10 vị trí trong nhóm Android TV.

Google cho biết hãng đang tiếp tục đầu tư vào các kỹ sư cấp cao và nhân tài cho mảng kỹ thuật, đồng thời giảm tốc độ tuyển dụng. đó là lý do tại sao khối lượng công việc của các nhà quản lý tuyển dụng đã giảm bớt.
Đầu năm 2023, công ty “mẹ” của Google là Alphabet thông báo kế hoạch cắt giảm 12.000 việc làm trên toàn thế giới, nhưng không đưa ra con số cụ thể ở từng nước.