Giá cổ phiếu của Affirm đã giảm gần đây, nhưng có khả năng sẽ tăng cao.
Những điểm chính
- Affirm là một công ty cung cấp dịch vụ “mua trước, trả sau” và gần đây đã đạt được các thỏa thuận với các nhà bán lẻ lớn là Shopify và Amazon.
- Dịch vụ của công ty đã chứng kiến số lượng người dùng và người bán tăng vọt.
- Affirm chuẩn bị triển khai thẻ ghi nợ vào năm 2022.
Hãy mua và nắm giữ Affirm nếu bạn muốn đánh bại thị trường
Ngành tài chính đã trở thành một điểm nóng về sự đổi mới trong những năm gần đây. Mọi người dần thay đổi cách thức gửi tiền ngân hàng, quản lý tiền và thanh toán mọi thứ khi các công ty kiểu mới xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Một xu hướng bán lẻ đang hot gần đây là mua trước, trả sau (BNPL) đang thay đổi quan niệm về tín dụng của người tiêu dùng và các công ty. Một trong các công ty hàng đầu trong phân khúc này là Affirm Holdings (NASDAQ: AFRM). Công ty đã đạt được mức tăng trưởng doanh thu rõ rệt kể từ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng vào đầu năm 2021. Song đà tăng này cũng chỉ mới bắt đầu.
Dưới đây là lý do tại sao Affirm là một cổ phiếu tăng trưởng đáng cân nhắc cho dài hạn.

Nguồn ảnh: Getty Images.
Công ty đi đầu trong lĩnh vực mua trước, trả sau
Ứng dụng của Affirm cho phép người dùng trả góp cho các món hàng mà họ mua từ các doanh nghiệp tham gia mạng lưới. Ứng dụng này sẽ ngay lập tức đánh giá tín dụng của mỗi khách hàng và phê duyệt hoặc từ chối một giao dịch mua cụ thể sử dụng dịch vụ BPNL chỉ trong vài giây. Nếu giao dịch của khách hàng được chấp thuận, Affirm sẽ cung cấp một loạt các tùy chọn thanh toán trả góp cố định cùng chi phí và mức lãi suất bất kỳ.
Affirm không phải lúc nào cũng tính lãi đối với các giao dịch mua trên BNPL khi 43% các khoản vay không bị tính lãi. Song nếu có, các chi phí đó sẽ được tính luôn vào các khoản thanh toán cố định trả trước, giúp người dùng nắm rõ hơn về tổng chi phí giao dịch mua hàng của họ. Dịch vụ của Affirm có thể được áp dụng cho cả giao dịch trực tuyến và giao dịch trực tiếp và hiện được tích hợp vào hệ thống thanh toán của nhiều nhà bán lẻ lớn, bao gồm Walmart, Amazon, Shopify, cũng như hơn 2.000 đối tác bán lẻ. Hơn nữa, công ty cũng không tính phí trễ hạn và phí thường niên.
Affirm tạo ra doanh thu bằng cách tính phí cho người bán trên mỗi giao dịch cũng như tính lãi cho các khoản trả góp. Affirm cũng bảo lãnh các khoản vay cùng với hai đối tác ngân hàng.
BNPL là một giải pháp thay thế cho thẻ tín dụng truyền thống. Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, cảm thấy ác cảm với việc gánh các khoản nợ lớn và xem BNPL như một lựa chọn dễ quản lý hơn. Trên thực tế, các công ty thanh toán và thẻ tín dụng lớn đã nhận ra tiềm năng của hình thức này. Các công ty hoặc thực hiện thương vụ thâu tóm hoặc tung ra các dịch vụ BNPL của riêng họ.
Được thành lập vào năm 2012, Affirm lên sàn chứng khoán vào tháng 1 năm 2021 với giá khoảng 90 USD/cổ phiếu. Kể từ đó, cổ phiếu dao động chóng mặt. Giá của Affirm đã tăng cao tới 176,65 USD/cổ phiếu vào tháng 11 và giảm khoảng 54% trong hai tháng sau đó. Tính đến chiều thứ Ba vừa qua (giờ địa phương), cổ phiếu đã xuống dưới mức giá IPO còn 81 đô la/cổ phiếu. Vào ngày 3 tháng 1, Affirm giảm khoảng 10% trong một đợt bán tháo và hiện mất khoảng 14% so với mức giá đầu năm.
Đợt giảm giá của cổ phiếu thực tế bị cuốn theo tình trạng suy giảm trên thị trường. Lần điều chỉnh đó đặc biệt ảnh hưởng đến các công ty thanh toán do lo ngại gia tăng về suy thoái kinh tế từ ảnh hưởng lạm phát và số ca nhiễm biến chủng COVID-19 omicron tăng mạnh. Ngoài ra, giá cổ phiếu công ty rõ ràng cũng bị ảnh hưởng bởi một thông báo vào giữa tháng 12 từ Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB). Thông báo viết rằng CFPB đang khởi động cuộc điều tra đối với năm công ty dịch vụ BNPL, bao gồm cả Affirm.
Xem thêm: Hồng Kông thắt chặt các hạn chế sau gần một năm sống chung với Covid
Tăng trưởng bùng nổ
Song các nhà đầu tư không nên quá lo lắng. Trên thực tế, giá giảm là cơ hội tốt để mua cổ phiếu. Các con số tăng trưởng doanh thu của Affirm vẫn duy trì ở mức đáng ngưỡng mộ và công ty có những nguồn lực mạnh mẽ giúp đẩy cổ phiếu lên cao hơn trong dài hạn.
Trong quý tài chính đầu tiên kết thúc vào ngày 30 tháng 9, công ty đã tạo ra doanh thu 269,4 triệu đô la, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khoảng 112 triệu đô la từ phí và 117 triệu đô la từ thu nhập từ lãi suất. Tổng khối lượng hàng hóa giao dịch tăng 84% lên 2,7 tỷ đô la trong khi số lượng người dùng đang hoạt động tăng 124% lên 8,7 triệu. Số lượng người bán đang hoạt động cũng đã tăng vọt từ 6.500 lên hơn 102.000, phần lớn là do Affirm được thêm vào nền tảng Shopify. Tuy nhiên, công ty vẫn đang phải gánh lỗ ròng do chi phí hoạt động ngày càng tăng liên quan đến các thương vụ mua bán sáp nhập cũng như đầu tư vào công nghệ, tiếp thị và hoạt động tổng thể.
Một vấn đề tiềm tàng khác mà các nhà đầu tư quan tâm đó là mức dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng lên và đạt 63,6 triệu đô la trong Q1 tài chính từ 28,9 triệu đô la trong giai đoạn năm trước. Một phần nguyên nhân đến từ tăng trưởng hoạt động kinh doanh, song cũng được thúc đẩy bởi thực tế tỷ lệ khách hàng quá hạn của Affirm đã tăng nhẹ vào cuối năm tài chính trước đó lên khoảng 4%.
Tuy nhiên, Affirm đã vượt mục tiêu doanh thu cho quý tài chính đầu tiên và tăng mục tiêu cho quý 2 tài chính (lên 330 triệu đô la từ 320 triệu đô la) và cho cả năm tài chính 2022 (từ 1,22 tỷ đô la lên 1,25 tỷ đô la). Một phần là do công ty đã mở rộng mối quan hệ đối tác với Amazon. Ngoài ra, công ty đang chuẩn bị triển khai rộng rãi thẻ Affirm Debit+ vào năm 2022. Đây là thẻ ghi nợ kết nối với tài khoản vãng lai thông thường của người dùng nhưng cho phép thanh toán trả góp. Affirm đã có hơn 1 triệu khách hàng nằm trong danh sách chờ của sản phẩm này. Điều này có thể mở rộng đáng kể lượng người dùng của công ty.
Nhìn chung, BNPL là một ngành đã sẵn sàng để bùng nổ. Khoảng 55% người Mỹ đã sử dụng BNPL, tăng từ 37% vào năm 2020, theo nghiên cứu của The Motley Fool’s Ascent.
Hơn nữa theo Juniper Research, số tiền chi tiêu sử dụng dịch vụ BNPL được dự đoán sẽ tăng từ mức khoảng 226 tỷ đô la trong năm 2021 lên khoảng 995 tỷ đô la vào năm 2026. Con số này tương đương với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 34%.
Với định giá giảm mạnh hiện tại, tỷ lệ giá trên doanh thu đã giảm xuống khoảng 22, bằng khoảng một nửa so với mức hồi tháng 10 và tháng 11 khi giá Affirm tăng vọt trên 40. Cổ phiếu này có thể sẽ tiếp tục trải qua một số biến động ngắn hạn khác, đặc biệt là khi cuộc điều tra của CFPB chuẩn bị diễn ra. Song về dài hạn, với tư cách là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này, Affirm đang có một vị thế tuyệt vời để cưỡi lên con sóng BNPL.