Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 1, 2023
Trang chủChứng khoánCổ phiếuJazz và Netflix: cổ phiếu đáng mua bất chấp tất cả trong...

Jazz và Netflix: cổ phiếu đáng mua bất chấp tất cả trong năm 2022

Viết bởi Cafeforexvn

Một trong những bí quyết để chiến thắng trên thị trường chứng khoán là hãy cứ ngó lơ trước các vấn đề và những biến động ngắn hạn.

  • Nhờ một thương vụ mua lại và các quyết định cấp phép mới, Jazz Pharmaceuticals đang có biểu hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
  • Netflix vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong ngành công nghiệp phát trực tuyến và có thể dư sức đương đầu với các đối thủ cạnh tranh.

Cổ phiếu đáng mua bất chấp tất cả trong năm 2022

Hai năm qua là giai đoạn vô cùng tất bật, theo cách nói giảm nói tránh, mà phần lớn là do tác động từ dịch COVID-19. Mặc dù loài người đã có những bước tiến nhất định trên phương diện đối phó với đại dịch, nhưng đợt bùng phát này vẫn chưa hề chấm dứt. Các ca bệnh do biến thể omicron lại gia tăng trong thời gian gần đây. Như vậy, liệu tình hình sẽ còn tiến triển như thế nào trong năm 2022? Tuy rằng tất cả mọi người đều nên giữ vững tinh thần lạc quan, nhưng thật ra chẳng ai biết chắc tương lai sẽ ra sao.

Dẫu vậy, có một thứ vẫn không thay đổi trong suốt chặng đường đầy thử thách này, đó là biểu hiện mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, bằng chứng là thị trường đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi chạm đáy vào tháng 03/2020 sau làn sóng sụp đổ do ảnh hưởng của đại dịch. Thật vậy, đầu tư chứng khoán vẫn là một trong những cách tốt nhất để gia tăng giá trị tài sản của bạn theo thời gian. Và bất kể điều gì xảy ra trong 12 tháng tới, một số công ty sẽ vẫn tồn tại và tiếp tục mang lại lợi nhuận vượt trội trong nhiều năm sau này.

Thị trường chứng khoán Mỹ có hai công ty đáp ứng được tiêu chí đó, bao gồm: Jazz Pharmaceuticals (NASDAQ:JAZZ) và Netflix (NASDAQ:NFLX).

Cổ phiếu đáng mua bất chấp tất cả trong năm 2022
Jazz và Netflix: cổ phiếu đáng mua bất chấp tất cả trong năm 2022

Xem thêm: Solana có còn là một món hời sau khi tăng giá 11.000%?

Jazz Pharmaceuticals

Việc quá phụ thuộc vào một sản phẩm duy nhất không phải là điều tốt và mãi cho đến gần đây Jazz Pharmaceuticals, một công ty dược phẩm có trụ sở tại Dublin, Ireland, vẫn luôn phụ thuộc rất nhiều vào Xyrem, loại thuốc giúp điều trị chứng bệnh ngủ rũ. Tuy nhiên, năm ngoái Jazz đã mua lại GW Pharmaceuticals, một công ty chuyên phát triển các loại thuốc có gốc cannabidiol (CBD). Thương vụ thâu tóm này kết thúc vào tháng 5 và tiêu tốn của Jazz 7,2 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu.

Nhờ khoản giao dịch đó cũng như các quyết định cấp phép thuốc mới gần đây, công ty công nghệ sinh học này hiện có một tập hợp các sản phẩm khá phong phú, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong một thời gian dài. Loạt dược phẩm đó bao gồm Epidiolex, một loại thuốc được sử dụng để điều trị các cơn động kinh liên quan đến hai dạng động kinh hiếm gặp có tên là Hội chứng Lennox-Gastaut (LGS) và Hội chứng Dravet.

Công ty hiện cũng có thể dựa vào ba loại thuốc điều trị ung thư, Rylaze, Xywav và Zepzelca cũng như Sunosi, một liệu pháp điều trị chứng buồn ngủ vào ban ngày ở các bệnh nhân mắc chứng ngủ rũ. Những liệu pháp vừa nêu đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép từ năm 2019 đến năm 2021. Kết quả là Jazz đã thể hiện đầy mạnh mẽ trong quý 3 với tổng doanh thu tăng 39% so với cùng kỳ năm liền trước lên 838,1 triệu USD.

Jazz Pharmaceuticals
Jazz Pharmaceuticals

Những động thái gần đây đã giúp đa dạng hóa khá hữu hiệu cho loạt sản phẩm của Jazz. Tính đến quý 3 năm 2021, 52% doanh thu ròng của công ty đến từ các sản phẩm mà họ đã tung ra từ năm 2019 hoặc có được thông qua thương vụ thâu tóm GW Pharmaceuticals. Ngược lại, 74% doanh thu ròng của công ty trong năm 2020 lại đến từ Xyrem. Hơn nữa, các sản phẩm mới hơn của Jazz sẽ có thể làm tăng doanh số bán hàng cho họ trong nhiều năm tới trước khi công ty phải đối mặt với bài toán bảo hộ bằng sáng chế. Với loạt sản phẩm hiện có, họ cũng có thể sẽ tìm cách bổ sung thêm các chỉ định mới cho nhiều loại thuốc này.

Cuối cùng, cổ phiếu Jazz Pharmaceuticals hiện đang có giá giao dịch chỉ gấp 8,8 lần lợi nhuận dự tính, bán rẻ hơn khá nhiều so với mức bội số trung bình 11,2 lần của toàn ngành công nghệ sinh học. Jazz mang lại cho các nhà đầu tư một danh mục thuốc vững mạnh với mức giá sale rất sâu và đó là lý do tại sao công ty công nghệ sinh học này có khả năng sẽ phục hồi sau màn thể hiện kém cỏi trong năm qua, từ đó tưởng thưởng xứng đáng cho các cổ đông.

Netflix

Netflix cũng đạt hiệu suất kém trên thị trường chứng khoán Mỹ vào năm ngoái và lý do cũng rất dễ đoán. Số lượng tài khoản đăng ký trả phí của công ty vốn dĩ đã tăng vọt vào năm 2020 vào thời kỳ cao điểm của đại dịch khi hầu hết mọi người đều bị mắc kẹt ở nhà. Tuy nhiên, trong năm vừa rồi, tốc độ tăng trưởng thuê bao đăng ký của Netflix đã tăng chậm lại, nhất là trong giai đoạn nửa đầu năm. Đặc biệt, công ty đã trượt mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra đối với chỉ số kinh doanh này trong quý đầu tiên năm 2021, mà những biểu hiện như vậy thường sẽ không mang lại phản ứng tốt đẹp từ thị trường.

Bất chấp những thách thức đó, các nhà đầu tư không nên lo lắng về tương lai của Netflix. Mặc dù công ty đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, nhưng họ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Như ban lãnh đạo Netflix đã nhấn mạnh trong bản tin cập nhật hàng quý mới nhất, các kênh truyền hình tuyến tính (truyền hình phát sóng và truyền hình cáp) vẫn tiếp tục thống trị trên mặt bằng chung. Ở Mỹ, các kênh này vẫn chiếm đến 64% tổng thời lượng xem TV của khán giả. Netflix chỉ chiếm 6%, một con số khá ít ỏi.

Person watching videos on a cell phone.
Netflix

Như vậy, công ty sẽ có kế hoạch gì để thu hút nhiều khách hàng hơn và chiếm lấy nhiều thời lượng hơn từ các kênh truyền hình tuyến tính? Đáp án chính là nội dung gốc. Netflix đã đầu tư hàng triệu USD để sản xuất ra các chương trình và loạt phim thu hút khách hàng. Chiến lược này cho đến nay đã phát huy tác dụng khi công ty tiếp tục thu hút thêm khách đăng ký và giành được nhiều giải thưởng cho các sản phẩm của họ.

Khoản đầu tư của Netflix vào mảng nội dung gốc cũng sẽ giúp họ lèo lái trong một ngành công nghiệp phát trực tuyến đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt như thế này. Mặc dù cuộc đua cạnh tranh có thể là một bài toán đáng lo ngại, nhưng ở thời điểm hiện tại, dường như các kênh truyền hình cáp khác nhau cũng cung cấp các nội dung rất khác nhau và do đó họ có khả năng cùng tồn tại song song với nhau.

Thị trường quốc tế cũng có thể là một mảnh đất màu mỡ đầy ắp cơ hội, nhất là khi mức độ thâm nhập của ngành công nghiệp phát trực tuyến ở các khu vực khác trên thế giới vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường Mỹ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trên thực tế, khách hàng đăng ký trả phí của Netflix có thể sẽ đến với họ ngày càng nhiều từ các thị trường quốc tế khi công ty tập trung sản xuất và phát hành các loạt phim ăn rơ theo đúng gu của từng khu vực.

Chiến lược của Netflix chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền và có thể làm giảm lợi nhuận và biên lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nước cờ này sẽ đơm hoa kết trái ngọt ngào cho công ty và các cổ đông của họ.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
spot_img
LỊCH KINH TẾ
BÀI VIẾT MỚI