Theo Financial Times, bộ trưởng tài chính và quan chức các nước bày tỏ lo ngại xung đột lan rộng ở Trung Đông phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo tác động của cuộc xung đột rộng lớn hơn ở khu vực này gây ra mối đe dọa mới ngay khi nền kinh tế toàn cầu vừa thoát khỏi những cú sốc do COVID-19 và xung đột Ukraine gây ra.
Kết thúc các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Morocco mới đây, các quan chức bày tỏ lo ngại về căng thẳng khu vực rộng hơn sẽ gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể.
Trước các cuộc họp, các quan chức đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi các ngân hàng trung ương tìm cách kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái, tránh được rủi ro mà IMF đã cảnh báo vào tháng 4 khi nói về khả năng “hạ cánh cứng” của nền kinh tế toàn cầu.
IMF chỉ ra xu hướng tăng trưởng dài hạn đang xấu đi, khi các nền kinh tế nỗ lực nâng cao năng suất, các rào cản đối với thương mại tự do ngày càng gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng đáng quan ngại và nợ công gia tăng trên toàn cầu.

Ngoài ra, rất nhiều thông tin kinh tế – tài chính quốc tế khác cũng đã thu hút sự quan tâm chú ý của giới đầu tư.
Anh và Hàn Quốc nhất trí gia hạn FTA 2 năm
Ngày 16/10, chính phủ Anh và Hàn Quốc đã nhất trí kéo dài thêm 2 năm thời gian áp dụng mức thuế quan thấp hoặc miễn thuế quan trong giao dịch thương mại song phương. Động thái diễn ra trước thềm các cuộc đàm phán giữa hai bên nhằm thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới, bởi thỏa thuận hiện tại có từ khi Anh vẫn là thành viên EU.
Nếu không gia hạn, các doanh nghiệp Anh, đặc biệt là trong ngành ô tô và thực phẩm, sẽ đối mặt mới mức thuế cao từ ngày 1/1/2024 khi xuất khẩu các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu từ Liên minh châu Âu (EU), theo quy định về nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm được vận chuyển qua EU cũng sẽ chịu mức thuế cao nói trên.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Anh – Hàn Quốc vào khoảng 18 tỷ bảng Anh (21,9 tỷ USD).
Australia lên kế hoạch quản lý các sàn giao dịch tiền điện tử
Ngày 16/10, Chính phủ Australia thông báo đã lên kế hoạch bảo vệ người dân khỏi sự sụp đổ của tiền điện tử bằng cách buộc bất kỳ sàn giao dịch tiền điện tử hoặc nền tảng tài sản kỹ thuật số nào có tổng tài sản trị giá hơn 5 triệu AUD (3,2 triệu USD) đều sẽ phải tuân thủ yêu cầu có giấy phép dịch vụ tài chính.
Những cải cách này sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra những vụ sụp đổ bằng cách nâng cao tiêu chuẩn hoạt động và tăng cường giám sát. Nếu được yêu cầu phải có giấy phép, các nền tảng tài sản kỹ thuật số sẽ chịu sự điều chỉnh của luật dịch vụ tài chính của Australia.
Hiện có khoảng 1/4 người dân Australia sở hữu một số loại tiền điện tử.
Nga đẩy mạnh hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử
Ngày 16/10, tại cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mitshustin thông báo nước này đã phân bổ hơn 2,2 tỷ ruble (22,6 triệu USD) để phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ chuyên sản xuất thiết bị điện tử trong 3 năm.
4 khu vực của Liên bang Nga sẽ nhận được tài chính gồm: Vùng Vladimir – 900 triệu ruble, vùng Nizhny Novgorod – 632,7 triệu ruble, Bashkiria – 504 triệu ruble, Tatarstan – 241,8 triệu ruble.
Sự hỗ trợ của nhà nước Nga sẽ cho phép các công ty quản lý hoàn trả một phần chi phí thiết kế, xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghiệp, cũng như mua thiết bị và kết nối công nghệ với mạng lưới tiện ích.
Dự trữ khí đốt ở châu Âu đạt mức cao kỷ lục
Theo Cơ sở Hạ tầng khí đốt châu Âu, tổng trữ lượng khí đốt ở EU đã đạt mức tối đa tuyệt đối cao nhất trong lịch sử. Hiện tại, các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu đã lấp đầu 97,89% (cao hơn 8,54 điểm phần trăm so với mức trung bình vào thời điểm này trong 5 năm qua), chứa 107,75 tỷ m3 khí đốt.
Các nước châu Âu đã lấp đầy các kho chứa dưới lòng đất lượng khí đốt đạt mục tiêu 90% cho mùa sưởi ấm vào giữa tháng 8/2023, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch của Ủy ban châu Âu đã đề ra.
Trước đây, công suất lấp đầy tối đa tuyệt đối của các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của EU được quan sát vào ngày 28/10/2019 là 97,84%.
Doanh số bán smartphone toàn cầu thấp nhất trong thập kỷ qua
Nhu cầu đối với các thương hiệu lớn như Apple và Samsung Electronics ở hầu hết các thị trường phát triển đều giảm sút đã khiến thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu ghi nhận doanh số quý III/2023 giảm 8% và cũng là quý III có số liệu thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Theo Counterpoint Research, thị phần của 5 thương hiệu hàng đầu, gồm Apple, Samsung Electronics và các công ty Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Tổng doanh số bán trên thị trường smarphone toàn cầu đã kéo dài chuỗi giảm so với cùng kỳ năm trước đó sang quý thứ 9 liên tiếp do nhu cầu tại các thị trường không phục hồi nhanh như kỳ vọng. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tổng lượng smartphone xuất xưởng đã tăng 2% trên toàn ngành kể từ quý II, làm dấy lên hy vọng rằng thị trường có thể chấm dứt chuỗi sụt giảm kéo dài hơn 2 năm qua trong quý IV/2023.