Vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất chủ chốt lần thứ 10 liên tiếp lên mức cao kỷ lục trong nỗ lực nhằm chống lạm phát. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh sau 9 lần tăng lãi suất liên tiếp của ECB, lạm phát vẫn cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 2% ngân hàng này đặt ra và dự báo sẽ không giảm về mức này trong 2 năm tới.

ECB quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm %
Cụ thể, ECB đã tăng 25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính, gồm lãi suất tái cấp vốn lên 4,25%, lãi suất tiền gửi lên 4% và lãi suất cho vay lên 4,5% – những mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.
Trong tháng 8 vừa qua, lạm phát vẫn ở mức 5,3%, trong khi giá năng lượng tăng, điều đó có nghĩa lạm phát có thể duy trì dai dẳng hoặc thậm chí tăng lên trong tháng 9 tới.
ECB cho rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới với mức 5,6% trong năm nay; 3,2% trong năm sau trước khi hạ nhiệt xuống còn 2,1% vào năm 2025. Ngoài ra, ECB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong 3 năm tới. Cụ thể, ngân hàng này dự kiến tăng trưởng năm nay chỉ đạt mức 0,7%, năm sau là 1% và năm 2025 là 1,5%.
Tăng lãi suất sẽ kiềm chế lạm phát
Các nhà phân tích cho rằng việc tăng lãi suất sẽ kiềm chế lạm phát vì có thể cản trở việc vay mượn và chi tiêu, nhưng cũng đồng thời có nguy cơ bóp nghẹt hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, chi phí vay cao hơn ở hầu hết các nơi trên thế giới và tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế, với khả năng xảy ra suy thoái ở Eurozone là rất cao.
Các nhà hoạch định chính sách coi dự báo năm 2024 là rất quan trọng để xác định liệu lạm phát, hiện vẫn ở mức trên 5%, có thể quay trở lại mức mục tiêu hay có nguy cơ bị mắc kẹt ở mức cao hơn quá lâu.
Nhà kinh tế Piet Haines Christiansen của ngân hàng Danske Bank cho biết: “Lạm phát vẫn ở mức khá cao để ECB có thể tạm dừng”. Trước đó, đa số các nhà kinh tế tham gia khảo sát từ ngày 5-7/9 đều nhận định ECB sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tuần này, nhưng các thị trường tiền tệ cho rằng có 65% khả năng ECB tăng lãi suất, lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ tháng 7/2022.
Chỉ 14 tháng trước, lãi suất tại Eurozone ở mức thấp kỷ lục âm 0,5%, đồng nghĩa rằng các ngân hàng phải trả phí để gửi tiền mặt tại ngân hàng trung ương.
Tình hình lạm phát ở Eurozone
Lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang trở nên dai dẳng hơn. Tại đây, giá cả tăng do chi phí năng lượng tăng. Điều này khác với Mỹ, nơi lạm phát tăng là do nhu cầu thúc đẩy nhiều hơn. Nhưng ở cả châu Âu và Mỹ, lạm phát đều diễn ra theo một con đường tương tự, với châu Âu ở phía sau một chút.
Bây giờ câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát cơ bản, loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động, có tác động đến nền kinh tế châu Âu hay không? Theo The Economist, cho đến nay, lạm phát vẫn ở mức cao một cách “bướng bỉnh”.

Điều này một phần là do châu Âu, giống như Mỹ, cho đến nay đã luôn tìm cách tránh suy thoái kinh tế. Vào cuối năm ngoái, khi nhiều người dự đoán châu Âu sẽ suy thoái, động thái thắt chặt tiền tệ của ECB vẫn chưa tác động đến nền kinh tế và chính phủ các quốc gia thành viên đã đưa ra một loạt các biện pháp hào phóng, để chống lại “cú sốc” năng lượng. Lĩnh vực dịch vụ cho thấy mức tăng trưởng khá và sổ đặt hàng công nghiệp vẫn được lấp đầy, sau thời kỳ bùng nổ hậu đại dịch COVID-19.
Nhưng sự u ám hiện đang lan rộng khắp lục địa. Nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và số lượng đặt hàng giảm nhanh chóng. Sự hỗ trợ của các chính phủ dành cho các hộ gia đình cũng đang cạn kiệt. Giá năng lượng bán lẻ vẫn cao hơn trước cuộc khủng hoảng năm ngoái, thu nhập thực tế vẫn chưa phục hồi.
IMF dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu
Lãi suất cao hơn cũng bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu, không nằm ngoài dự định của các nhà hoạch định chính sách của ECB. Ngành xây dựng, vốn có truyền thống nhạy cảm với lãi suất, đang cảm nhận nỗi đau.
Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng, các lỗ hổng hệ thống tài chính tiềm ẩn có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng mới và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, khiến dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 của tổ chức này thấp hơn.
IMF dự báo mức tăng trưởng GDP toàn cầu thực tế là 2,8% vào năm 2023 và 3% vào năm 2024, tức thấp hơn 0,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 1 cho mỗi năm.