
Trong kinh tế học, lạm phát đình trệ, lạm phát đình đốn, đình lạm, hay suy thoái-lạm phát là tình trạng mà nền kinh tế phải đối mặt với lạm phát cao trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Lạm phát đình trệ đặt ra một vấn đề cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và kinh tế vì các hành động được thực hiện nhằm giảm lạm phát có thể khiến cho tình trạng thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn.
Lạm phát đình trệ là gì?
Thuật ngữ “lạm phát đình trệ” được ghi nhận sử dụng lần đầu tiên bởi Iain Macleod, một chính trị gia người Anh. Ông đã nói trong một bài phát biểu trước Quốc hội vào năm 1965: “Chúng ta hiện đang đối mặt với điều tồi tệ nhất của cả hai thế giới – không chỉ lạm phát hay đình trệ, mà cả hai thứ này cùng một lúc. Chúng ta có một loại tình huống ‘lạm phát đình trệ’. Và lịch sử, theo nghĩa hiện đại, thực sự đang được tạo ra.”
Các nhà kinh tế cung cấp hai lời giải thích tại sao lạm phát đình trệ lại xảy ra. Đầu tiên, lạm phát đình trệ có thể xảy ra khi nền kinh tế gặp phải một cú sốc về nguồn cung, chẳng hạn như giá dầu hoặc các mặt hàng sơ cấp khác tăng nhanh. Một tình huống trong đó giá năng lượng hoặc vận tải hàng hóa cốt lõi tăng đột ngột có thể làm tăng vật giá đồng thời làm chậm tăng trưởng kinh tế bằng cách khiến cho chi phí sản xuất, năng lượng hoặc vận tải cao hơn và hoạt động kinh doanh có lợi nhuận kém hơn.
Thứ hai, chính phủ có thể tạo ra lạm phát đình trệ nếu ban hành các chính sách gây tổn hại cho các doanh nghiệp và thương mại trong khi tăng lượng cung tiền quá nhanh. Hai điều này cần phải xảy ra đồng thời vì các chính sách làm chậm tăng trưởng kinh tế thường không gây ra lạm phát và các chính sách gây lạm phát thường không làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát đình trệ có thể bắt đầu với một sự gia tăng nhanh chóng trong giá của các chi phí kinh doanh cốt lõi như tiền lương, điện hoặc xăng dầu, và sau đó được tạo ra khi các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ như in thêm tiền hoặc cho chính phủ quốc gia vay và chi tiêu một lượng lớn tiền để phòng ngừa một đợt suy thoái có thể xảy ra. Các yếu tố này kết hợp với nhau sẽ dẫn đến một vòng xoáy giá tăng lên cao hơn, đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp ngày càng lớn.
Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thường di chuyển ngược chiều với nhau. Nhưng trong tình huống này, cả lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng lên cùng một lúc. Hiện tượng này khiến đường cong Phillip (biểu thị quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát) dịch chuyển sang phía bên phải và được gọi là lạm phát đình trệ gây ra bởi một cú sốc phía nguồn cung. Hiện tượng này còn được gọi là lạm phát do chi phí đẩy vì giá cả tăng liên tục do nguồn cung thiếu hụt. Dịch chuyển của đường cong Phillip cho thấy rằng, khi lạm phát tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng lên mặc dù hai đại lượng này di chuyển ngược chiều nhau. Trong biểu đồ bên dưới, lạm phát đang tăng từ P1 lên P2 và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ U1 lên U2. Biểu đồ vĩ mô theo trường phái Keynes phía bên phải cho thấy sự dịch chuyển của đường AS (tổng cung) sang AS1 do cú sốc nguồn cung. Điều này lại khiến giá tăng từ P1 lên P2, tức là lạm phát gia tăng. Đường AD (tổng cầu) giao với đường AS tại P1 và giao với đường AS1 tại P2. Nền kinh tế cũng nằm ở chấm màu xanh lam trên đường cong Phillip và tiếp cận phạm vi bình thường trên đường cong Keynes.

Xem thêm: FTX có kế hoạch đầu tư 1 triệu USD để tăng sự chấp nhận Stablecoin
Huân Hà-Theo newtraderu