Khi nói đến giao dịch trên thị trường chứng khoán, một trader không giàu nhờ số tiền kiếm được từ một hoặc hai giao dịch mà giàu nhờ số tiền trader đó không làm mất trong dài hạn. Đó là lý do tại sao một trader phải biết cách xác định và giao dịch với các xu hướng thị trường.
Trên thực tế, nếu bạn có thể xác định chính xác hướng của xu hướng, bạn có thể xác định chắc chắn hơn thời điểm đúng để mua và bán, có nghĩa là bạn sẽ tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn.
Một điều rõ ràng là mong muốn lợi nhuận càng cao thì trader càng cần có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và thời gian dành cho các khoản đầu tư của mình. Điều này không có nghĩa là trader cần phải theo dõi thị trường mỗi ngày; thay vào đó, nó chỉ đơn giản có nghĩa là trader cần phải dành ra một khoảng thời gian để theo dõi cổ phiếu và quản lý danh mục đầu tư của mình.
Dĩ nhiên, thách thức đặt ra cho trader là làm thế nào để phát triển một hệ thống có thể lặp lại và tạo ra lợi nhuận liên tục. Vì lẽ đó, chúng ta sẽ thảo luận trong bài viết này những điều bạn cần biết để tự tin xác định và giao dịch theo xu hướng thị trường.
Hiểu thị trường bò và gấu
Xem thêm: Top 3 Indicator xác định xu hướng mà các trader nên biết
Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã nghe câu chuyện về rùa và thỏ. Nhưng bạn đã bao giờ nghe câu chuyện về con bò và con gấu chưa? Các thuật ngữ bò (giá tăng) và gấu (giá giảm) thường được sử dụng để mô tả cách thị trường chứng khoán chuyển động. Sự khác biệt giữa hai trạng thái thị trường này là gì?
Thị trường bò xảy ra khi phần lớn cổ phiếu tăng giá trong khi thị trường gấu xảy ra khi phần lớn cổ phiếu giảm giá. Những thuật ngữ này có vẻ là những cái tên kỳ quặc để mô tả các chuyển động của thị trường. Trên thực tế, chúng được mô phỏng theo cách hai động vật này tấn công con mồi.
Khi tấn công, một con bò đực đẩy sừng của nó lên trên trong khi một con gấu vuốt bàn chân của nó xuống dưới. Vì vậy, những hành động này được sử dụng như những phép ẩn dụ để mô tả các chuyển động trên thị trường: nếu xu hướng chung là tăng, nó được gọi là thị trường bò và nếu xu hướng chung là giảm, nó được gọi là thị trường gấu.
Điều gì thực sự thúc đẩy thị trường tăng hay giảm?
Khi trò chuyện với mọi người về thị trường chứng khoán, có thể thấy rõ ràng hầu hết mọi người tin rằng các xu hướng hoặc chuyển động của thị trường là do tin tức hoặc các sự kiện chính trị gây ra. Tuy nhiên, thực ra chính tâm trạng xã hội – tâm trạng chung của các cá nhân trong một xã hội – mới là yếu tố quyết định hướng đi của thị trường. Bạn có ngạc nhiên không khi biết rằng nhiều tin tức và sự kiện chính trị đã được tính vào giá thị trường từ trước khi chúng xuất hiện? Hãy cùng nhau xem qua giải thích sau đây.
Nói một cách dễ hiểu, tâm trạng xã hội là mức độ tự tin của chúng ta về tương lai với tư cách là một xã hội.
Các chuyên gia về tâm trạng xã hội nói rằng liên hệ giữa một chỉ số chính của thị trường chứng khoán với tâm trạng xã hội giống như liên hệ giữa phong vũ biểu với thời tiết. Phong vũ biểu đo lường sự thay đổi của áp suất không khí để làm nổi bật thời điểm chúng ta có thể mong đợi một sự thay đổi của thời tiết. Hãy tưởng tượng điều đó sẽ có ý nghĩa gì nếu trader có thể đọc thị trường theo cách này!
Tâm trạng xã hội không phải là một nghiên cứu về cảm xúc trong ngắn hạn mà là các xu hướng hành vi của chúng ta trong trung và dài hạn. Nhìn vào tâm trạng xã hội trong ngắn hạn cũng vô ích giống như nhìn vào biến động giá hàng ngày trên thị trường chứng khoán. Các chuyên gia biết rằng những biến động hàng ngày không liên quan gì đến xu hướng của thị trường. Thật không may, nhiều cá nhân phân tích thị trường theo cách này; và khi làm như vậy, họ đã bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh lớn hơn (hay nói cách khác là xu hướng), điều này khiến họ giao dịch với hiệu suất kém hơn rất nhiều.
Một ví dụ về cách thức hoạt động của tâm trạng xã hội
Một ví dụ tuyệt vời về cách thức hoạt động của tâm trạng xã hội là khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) thông báo rằng họ sẽ giảm bớt chính sách nới lỏng định lượng. Chính sách nới lỏng định lượng là chính sách tiền tệ nhằm bơm thanh khoản vào nền kinh tế và đồng thời giảm lãi suất. Ban đầu, thị trường phản ứng nhanh với thông tin này bằng động thái bán tháo. Tuy nhiên, tâm trạng xã hội tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó lại lạc quan hơn về tương lai nên thị trường nhanh chóng phục hồi. Điều này lặp đi lặp lại mỗi khi Fed họp để thảo luận về chính sách. Do đó, chính niềm tin xã hội dành cho một thị trường, chứ không phải cảm xúc trong ngắn hạn, mới là yếu tố quyết định hướng đi của thị trường đó.
Tâm trạng xã hội càng tự tin, chúng ta càng có nhiều khả năng sẽ đầu tư. Tâm trạng xã hội càng bi quan, chúng ta càng có nhiều khả năng sẽ bán tháo trên thị trường. Hiểu được tâm trạng cộng đồng của một xã hội dễ dàng hơn là cố gắng cập nhật những thông tin mới nhất về kinh tế thế giới và các sự kiện tin tức, sau đó cố gắng hiểu điều này có thể tác động đến các khoản đầu tư của bạn như thế nào (một việc thậm chí còn khó hơn). Hiểu tâm trạng xã hội cũng giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho những động thái quan trọng nhất trên thị trường.
Có một điểm trong bất kỳ xu hướng nào xác định tâm trạng xã hội đã trở nên quá lạc quan hoặc quá bi quan. Điểm này xuất hiện xung quanh đỉnh và đáy của thị trường, báo hiệu một sự thay đổi trong xu hướng. Thật không may, số đông người tham gia có xu hướng bỏ lỡ những tín hiệu này và thay vào đó, làm sai – mua ở đỉnh và bán ở đáy của thị trường – hành vi phổ biến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhận thức được tâm trạng xã hội có nghĩa là bạn sẽ không bị cuốn theo suy nghĩ bầy đàn đó.
Giao dịch theo xu hướng
Chắc chắn trader đã nghe nói rằng xu hướng đại diện cho nền tảng cơ bản của giao dịch trong bất kỳ thị trường nào. Những câu nói như “xu hướng là bạn của bạn” và “luôn luôn giao dịch theo xu hướng” thường xuất hiện trong những cuốn sách hoặc khóa học về giao dịch.
Thật không may, 90% các trader cá nhân mất tiền trên thị trường ngày nay mất tiền bởi vì họ vô tình phá vỡ nền tảng cơ bản này bằng cách giao dịch ngược với xu hướng. Khi giao dịch trên thị trường chứng khoán, một quy tắc khắc cốt ghi tâm mà trader phải luôn ghi nhớ là: tất cả các xu hướng đều tuân theo một xu hướng đang tồn tại và dài hạn hơn.
Ví dụ, nếu một cổ phiếu đã ở trong xu hướng giảm giá dài hạn trong hai năm, thì nhiều khả năng cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm; trên thực tế, xác suất cổ phiếu tiếp tục giảm đạt đến 80-90%. Nếu sau khi giảm trong hai năm, cổ phiếu quay đầu và tăng trong năm tuần, xác suất để cổ phiếu bắt đầu một xu hướng tăng mới chỉ đạt khoảng 10-20%.
Thật không may, tại thời điểm này, nhiều người rơi vào bẫy, tin rằng một xu hướng tăng mới đang xuất hiện và cố gắng mua ở mức đáy vì sợ bỏ lỡ xu hướng tăng tiềm năng. Tuy nhiên, thực tế là thị trường thường giảm trở lại và khiến trader bị thiệt hại nhiều hơn. Hành động dựa trên một xác suất thay đổi xu hướng thấp như vậy không thể tạo nên một giao dịch tốt.
Tóm lại, trader luôn nên giao dịch theo xu hướng.
Xu hướng là gì và làm thế nào để xác định xu hướng?
Khi giá tăng trong một khoảng thời gian và sau đó giảm xuống, một đỉnh sẽ được hình thành. Ngược lại, khi giá giảm trong một khoảng thời gian và sau đó tăng trở lại, một mức đáy sẽ được hình thành.
Do đó, xu hướng tăng là kết quả của chuyển động tăng lên của giá thị trường, được xác nhận bởi một loạt các đỉnh và đáy cao hơn. Một cổ phiếu tăng giá cho thấy có nhiều người mua hơn người bán.
Trong khi đó, xu hướng giảm là do giá thị trường giảm và được xác nhận bởi một loạt các đỉnh và đáy thấp hơn. Một cổ phiếu giảm giá cho thấy có nhiều người bán hơn người mua.
Cần xem xét điều gì khi giao dịch theo xu hướng?
Một điều quan trọng cần cân nhắc khi đầu tư dài hạn là hướng của xu hướng trong dài hạn và, trong chừng mực nào đó, hướng của xu hướng trong trung hạn. Do đó, trader sẽ thấy được rất nhiều điều cần biết bằng cách phân tích xu hướng của cổ phiếu trên biểu đồ hàng tháng.
Tuy nhiên, nếu trader đang giao dịch trong trung hạn, điều quan trọng trader cần cân nhắc là hướng của xu hướng trong trung hạn và, trong chừng mực nào đó, hướng của xu hướng trong ngắn hạn. Do đó, trader sẽ thấy được rất nhiều điều cần biết bằng cách phân tích xu hướng của cổ phiếu trên biểu đồ hàng tuần và hàng tháng.
Tương tự như vậy, khi đầu tư trong ngắn hạn, điểm quan trọng trader cần cân nhắc là hướng của xu hướng trong trung hạn; do đó, trader sẽ thấy được rất nhiều điều cần biết bằng cách phân tích xu hướng của cổ phiếu trên biểu đồ hàng tuần.
Tuy nhiên, trong trường hợp nào thì xác nhận xu hướng dài hạn bằng cách xem xét biểu đồ hàng tháng vẫn là một hành động rất hữu ích. Bằng cách này, trader sẽ có thể đánh giá hướng, độ dài và độ mạnh của từng xu hướng trong chừng mực nào đó.
Khi phân tích biểu đồ, trader có thể biết giá của một cổ phiếu đang tăng nếu nó có các thanh cao hơn nối tiếp nhau. Trên biểu đồ hàng tháng, các cổ phiếu tăng trong ba tháng liên tiếp trở lên được cho là đang trong xu hướng tăng. Trên biểu đồ hàng tuần, điều này tương đương với ít nhất mười hai thanh liên tiếp di chuyển trong xu hướng tăng. Dĩ nhiên quy tắc này không phải lúc nào cũng đúng. Một cổ phiếu có thể tăng trong ba tháng (hoặc mười hai tuần) và sau đó đi ngang hoặc giảm xuống. Tuy nhiên, quy tắc này cung cấp một điểm khởi đầu để phân tích sức mạnh của một cổ phiếu.
Hãy cùng xem một số ví dụ sau:
Làm thế nào để giao dịch theo xu hướng trên thị trường chứng khoán
Biểu đồ hàng tháng của Aristocrat Leisure mô tả xu hướng chuyển động của cổ phiếu từ năm 2003 đến đầu tháng 9 năm 2019. Trong khoảng thời gian này, xu hướng đã thay đổi từ tăng giá xuống giảm giá trước khi quay trở lại giao dịch trong xu hướng tăng giá.
Trên thực tế, xu hướng này thể hiện sự đồng thuận của hàng nghìn nhà đầu tư trong khoảng thời gian mười sáu năm này. Cổ phiếu có xu hướng tăng từ 0,75 USD lên 17,68 USD vào tháng 2 năm 2007 trước khi giảm xuống 2,10 USD vào tháng 9 năm 2011 và sau đó tăng trở lại lên 33,06 USD vào tháng 7 năm 2018. Tùy thuộc vào mức độ tự tin của bạn, bạn có thể đã vào vị thế trong cổ phiếu vào cuối năm 2003 sau khi nó đã có xu hướng tăng trong hơn ba tháng liên tiếp.
Nhưng ngay cả khi bạn đã đợi đến khoảng đầu năm 2004, khi giá cổ phiếu xấp xỉ 2,70 USD, bạn vẫn kiếm được lợi nhuận khoảng 360% không bao gồm cổ tức, trước khi bán vào năm 2007 tại thời điểm giá cổ phiếu đã giảm hơn 30%, sử dụng các quy tắc vào và thoát rất thận trọng.
Không phải cổ phiếu nào cũng mang lại cho bạn loại lợi nhuận này. Tuy nhiên, hầu hết các công ty blue chip thường mang lại lợi nhuận khoảng 20-50% hoặc hơn khi tăng trưởng theo xu hướng tăng. Như bạn có thể thấy trên biểu đồ, chúng ta đã đặt lệnh vào vị thế tiếp theo trong năm 2012 ở mức 3,25 USD dựa trên các quy tắc tương tự và một lần nữa, thu về lợi nhuận khá ấn tượng ở mức gần 1.000%.
Vậy biểu đồ hàng tháng của Westpac cho bạn biết điều gì? Một lần nữa, đây là biểu đồ mô tả một cổ phiếu blue chip vững chắc với xu hướng tăng mạnh từ cuối năm 1992 đến đầu tháng 9 năm 2019, tăng hơn 1.500% không bao gồm cổ tức.
Mặc dù đã có nhiều cơ hội kiếm lời từ cổ phiếu này trong 25 năm qua, với việc cổ phiếu tăng từ 20 đến 50% hoặc hơn trong vài tháng đến khoảng ba năm, có thể giao dịch cổ phiếu này bằng cách sử dụng các quy tắc đơn giản đã áp dụng với cổ phiếu Aristocrat, mang về lợi nhuận hơn 40% trong hai năm.
Nhìn chung, 50 cổ phiếu hàng đầu tính theo vốn hóa thị trường có các xu hướng tăng giá rất ổn định và dễ xác định. Tuy nhiên, các cổ phiếu nằm trong top 150 có nhiều biến động hơn một chút và do đó, đòi hỏi bạn phải làm việc nhiều hơn nếu bạn chọn đầu tư vào chúng.
Như với bất kỳ cổ phiếu nào, luôn có yếu tố rủi ro. Tuy nhiên, một nhà đầu tư có học thức có thể giảm thiểu rủi ro này. Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể bán nếu bạn sai trong phân tích của mình.
Huân Hà – Theo wealthwithin.com