Tình hình căng thẳng tại Trung Đông vẫn chưa hạ nhiệt. Liên hợp quốc (LHQ) đang hy vọng một đoàn xe vận tải thứ hai sẽ được gửi đến Dải Gaza vào ngày 22/10, nhằm mở rộng việc giao hàng cứu trợ tới dải đất ven biển của Palestine vào tuần tới.

Một đoàn xe tải đầu tiên chở hàng cứu trợ gồm 20 chiếc đã tới Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập vào ngày 21/10, tuy nhiên, những nỗ lực cung cấp hàng tiếp tế cho các khu vực bị bao vây của người Palestine đã bị cản trở do yêu cầu xác minh viện trợ của Israel.
Đoàn xe cứu trợ gồm 20 chiếc được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sau chuyến thăm Israel ngày 18/10, đã không bị kiểm tra theo thông lệ. Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The Washington Post, bên lề hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Dải Gaza ở Cairo, Phó tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tiết lộ rằng quá trình đàm phán đang diễn ra và nếu mọi việc thuận lợi, một đoàn xe khoảng 20 đến 30 chiếc có thể được phép vào Dải Gaza trong ngày 22/10. Ông cũng bày tỏ hy vọng hàng viện trợ sẽ chỉ phải trải qua hệ thống kiểm tra sơ bộ, nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động viện trợ nhân đạo.
Ông nói thêm rằng điều cực kỳ quan trọng là không có rào cản trong viện trợ xuyên biên giới. LHQ cho biết cần khoảng 100 xe tải viện trợ mỗi ngày để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu ở Dải Gaza.
Trước đó, giao tranh tiếp diễn tại biên giới Israel-Liban trong ngày 21/10. Hãng thông tấn quốc gia Liban (NNA) đưa tin Israel đã ném bom vào các vùng ngoại ô Yaroun và Bint Jbeil ở miền Nam Liban để đáp trả vụ một khu định cư Israel ở Upper Galilee bị trúng tên lửa sáng cùng ngày.
Trong khi đó, đăng tải trên mạng xã hội X, Bộ Quốc phòng Israel thông báo đã tấn công một vị trí của lực lượng Hezbollah ở Liban trong vài giờ. Theo thông báo, cuộc tấn công của máy bay và binh sĩ Israel nhằm vào các tay súng đã bắn rocket và tên lửa chống tăng gần biên giới Liban.
Căng thẳng ở biên giới Israel và Liban đã khiến 1.500 gia đình Liban và Syria rời bỏ nhà cửa đến tạm trú tại các địa điểm công cộng và các trường học tư nhân ở Tyre, trong khi hàng trăm gia đình đã sơ tán đến các vùng Chouf và Beirut. Căng thẳng leo thang sau khi lực lượng Hezbollah ngày 8/10 bắn hàng chục quả rocket về phía các doanh trại quân đội Israel ở Shebaa Farms để yểm trợ cho phong trào Hồi giáo Hamas trong cuộc xung đột với Israel bùng phát ngày 7/10. Để đáp trả, các lực lượng Israel đã nã pháo vào khu vực Đông Nam Liban.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA), ít nhất 60% cư dân trên Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa do cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel. OCHA nêu rõ khoảng 1,6 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tình hình bất ổn hiện nay giới chức các tổ chức quốc tế lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngày 20/10, ông Khaled Khiari, Trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương cảnh báo tác động của căng thẳng địa chính trị trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh trật tự thế giới đang trải qua quá trình thay đổi.
Phát biểu tại cuộc tranh luận cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ về đóng góp của các thỏa thuận khu vực, tiểu vùng và song phương đối với việc ngăn chặn và giải quyết hòa bình các tranh chấp, ông Khiari nhấn mạnh: “Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới. Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và quá trình chuyển đổi sang một trật tự toàn cầu mới đang diễn ra”. Theo ông, lịch sử cho thấy “các giai đoạn chuyển đổi thường đi kèm với những rủi ro ngày càng tăng”.
Kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng sự chia rẽ ngày một sâu sắc và các căng thẳng địa chính trị hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên. Cạnh tranh giữa các nước đang ngày càng thách thức những ranh giới được đặt ra trong Hiến chương LHQ. Quan chức LHQ cho rằng việc mất niềm tin và nguy cơ leo thang căng thẳng đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực trên thế giới.
Trong khi đó, nhiều nước tỏ ra bất bình khi các cam kết không được đáp ứng và tiêu chuẩn kép. Khi xung đột địa chính trị và thách thức đối với các chuẩn mực quốc tế ngày một tăng, việc đàm phán nhằm giải quyết xung đột càng khó đạt được hơn. Điều đáng buồn là việc theo đổi các giải pháp quân sự là đặc điểm nổi bật của các xung đột gần đây, trong đó dân thường phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.