Ngày 20/10, Giám đốc Sở Tư pháp New York (Mỹ), bà Letitia James đã đưa ra đơn kiện, cáo buộc hai nền tảng tiền điện tử Gemini và Genesis đã gian lận trong lĩnh vực đầu tư tài chính, gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD đối với các nhà đầu tư. Đây là động thái mới nhất nhằm quản lý thị trường giao dịch tiền kỹ thuật số tại Mỹ.

Gemini bị cáo buộc không minh bạch với khách hàng
Đơn kiện cáo buộc công ty Gemini đã không minh bạch về những rủi ro có thể xảy ra khi định hướng khách hàng đầu tư vào một chương trình cho vay bằng tiền kỹ thuật số do công ty này điều hành. Trong thông cáo về vụ kiện, bà Letitia James nêu rõ: “Các nhà đầu tư ở Mỹ đã mất hơn 1 tỷ USD vì bị lừa dối rằng tiền của họ sẽ an toàn và đem lại lợi nhuận nếu đầu tư vào chương trình Earn của Gemini”. Công ty Gemini do cặp song sinh Tyler và Cameron Winklevoss thành lập.
Những khoản cho vay tiền điện tử nói trên đã có thời điểm được đổ vào công ty giao dịch tiền kỹ thuật số Alameda Research của tỷ phú Sam Bankman-Fried. Tuy nhiên, hồi năm 2022, thị trường tiền kỹ thuật số rơi vào hỗn loạn sau sự sụp đổ của công ty tiền điện tử Alameda Research và Sàn giao dịch Tiền kỹ thuật số FTX. Nhà sáng lập hai công ty này, ông Bankman-Fried hiện đang đối mặt với nhiều cáo buộc trong vụ xét xử ở New York.
Bên cạnh đó, có một số khoản cho vay được thực hiện tại một số dịch vụ của công ty cho vay tiền số Genesis. Từ đó, dòng tiền điện tử cho vay sẽ tiếp tục đến tay những người đầu tư khác trong lĩnh vực giao dịch đồng tiền mã hóa. Thế nhưng, hãng cho vay tiền số Genesis đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 1/2023 do không thể đáp ứng được các yêu cầu rút tiền quy mô lớn. Theo những tài liệu được công bố vào thời điểm đó, Genesis phải đối mặt với một số chủ nợ lớn, bao gồm khoản nợ trị giá 765 triệu USD đối với Gemini.
Bà James lập luận: “Gemini đã không minh bạch về rủi ro đầu tư vào Genesis, trong khi Genesis lừa dối nhà đầu tư về sự thua lỗ của họ”. Bà James cáo buộc công ty Gemini đã lừa dối hơn 230.000 nhà đầu tư. Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Gemini thừa nhận các nhà đầu tư của họ đã trở thành “nạn nhân của vụ gian lận quy mô lớn” do những thông tin không minh bạch mà Genesis đưa ra.
Ngoài ra, đơn kiện cũng bao gồm những cáo buộc đối với Soichiro Moro – cựu Giám đốc điều hành của Genesis và công ty mẹ của Genesis là DCG, vì che giấu những khoản thua lỗ khổng lồ. Vụ việc pháp lý này muốn ngăn chặn Gemini, Genesis và DCG không được tham gia vào lĩnh vực đầu tư tài chính ở New York và bồi thường thiệt hại hoặc thua lỗ đối với nhà đầu tư. Bảo vệ quan điểm của mình, trên mạng xã hội X, công ty DCG khẳng định không làm điều gì phạm pháp.
Tăng cường giám sát thị trường tiền kỹ thuật số từ Mỹ
Hiện Mỹ đang tăng cường giám sát lĩnh vực tiền điện tử sau vụ sàn giao dịch FTX và công ty tiền điện tử Alameda phá sản.
Trước đó hồi đầu năm, Công ty cho vay tiền số khổng lồ Genesis Global Trading vừa sa thải 30% nhân sự và nguồn tin cho biết họ đang cân nhắc việc nộp hồ sơ xin phá sản. Đây là sự rối loạn tài chính mới nhất diễn tại công ty cho vay tiền số này. Việc sa thải không phải chỉ ở một phòng nào mà sẽ trải rộng khắp các phòng ban ở công ty. Genesis hiện còn khoảng 145 nhân viên sau đợt sa thải lần này.
Genesis hiện đang bàn bạc với ngân hang đầu tư Moelis & Co để xem xét các lựa chọn trong tương lai gồm cả tiềm năng nộp đơn xin phá sản theo chương 11. Một người phát ngôn của Genesis nói rằng công ty hiện đang làm việc với các bên tư vấn để “duy trì các tài khoản của khách hàng và đưa doanh nghiệp tiến lên phía trước”.

Khoảng giữa tháng 11/2022, Genesis tuyên bố tạm dừng hoạt động rút tiền. Tuy nhiên, CEO tạm thời khi ấy là Derar Islim khẳng định công ty vẫn đang “hoạt động hết công suất”.
Genesis liên quan tới vụ phá sản của quỹ Three Arrows Capital
Vấn đề bắt đầu nổi lên sau khi Genesis liên quan tới vụ phá sản của quỹ Three Arrows Capital. Genesis là chủ nợ lớn nhất liên quan tới vụ phá sản này. Genesis nói vào tháng 10, trước vụ sụp đổ của FTX rằng lượng cho vay của họ đã giảm 80% trong quý 3.
“Genesis Global Capital – hoạt động cho vay của Genesis đã phải đưa ra quyết định khó khăn khi tạm thời chặn việc rút tiền và phát hành những khoản vay mới. Quyết định này được đưa ra nhằm phản hồi lại với sự trục trặc của thị trường và sự mất niềm tiên vào thị trường sau cú sụp đổ của FTX. Điều này ảnh hưởng tới mảng cho vay tại Genesis và không ảnh hưởng tới mảng giao dịch và quản lý tài sản.
Những khó khăn của Genesis trong bối cảnh khủng hoảng tiền số lan rộng hiện còn hướng sự chú ý không mong muốn nhắm vào Barry Silbert – người đàn ông đang nắm giữ “ngai vàng” đế chế Digital Currency Group (DCG).