Tài chính phi tập trung và việc được các nhà đầu tư tổ chức quan tâm sẽ tạo thuận lợi cho loại tiền điện tử này tăng trưởng.
Những điểm chính
- Ethereum đã giảm 30% so với mức cao nhất mọi thời đại.
- Ethereum là blockchain có khả năng lập trình đầu tiên và vẫn là loại tiền điện tử có giá trị thứ hai.
- Ethereum là hệ sinh thái lớn nhất của các ứng dụng phi tập trung (dApp) và các sản phẩm tài chính phi tập trung (DeFi).
Có nên mua Ethereum khi thị trường tiền điện tử có nguy cơ sụp đổ?
Các nhà đầu tư tiền điện tử dày dạn kinh nghiệm đều học được cách chấp nhận các biến động, đó là cái giá phải trả để tham gia vào ngành công nghiệp mới nổi này. Mặc dù vậy, mất tiền không bao giờ dễ chịu và nhiều loại tiền điện tử phổ biến gần đây đã bị trượt giá mạnh. Trên thực tế, toàn bộ thị trường tiền điện tử đã giảm 30% so với mức cao nhất vào tháng 11 năm 2021.
Đây không phải là lần đầu tiên thị trường sụp đổ, và càng không phải là lần cuối cùng. Mọi đợt suy thoái trong quá khứ đều là một cơ hội để mua vào. Ethereum vẫn là tiền điện tử có giá trị thứ hai, nhưng đồng tiền này hiện giao dịch ở mức thấp hơn 30% so với mức cao nhất mọi thời đại. Liệu bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để mua vào?
Blockchain có thể lập trình phổ biến nhất
Ethereum là một blockchain có thể lập trình nhờ token Ether. Không giống như blockchain Bitcoin chỉ đóng vai trò như một sổ cái cho các giao dịch điện tử, Ethereum còn hỗ trợ các hợp đồng thông minh. Công nghệ đó là chìa khóa cho các ứng dụng phi tập trung (dApp) – loại phần mềm tồn tại trên mạng ngang hàng mà không phải trên các máy chủ tập trung của một tổ chức nào đó.
Giống như các phần mềm khác, dApp có thể là bất cứ thứ gì từ mạng xã hội hay các giải pháp lưu trữ file cho đến các sản phẩm tài chính phi tập trung (DeFi). Quan trọng hơn, vì dApp tồn tại ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quyền lực bất kỳ, chúng ngăn chặn việc kiểm duyệt và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Ngoài ra, các sản phẩm DeFi – dApp cho phép người dùng vay mượn, tiết kiệm và kiếm lãi mà không cần thông qua ngân hàng hay các tổ chức khác. Từ đó khiến các dịch vụ tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn và hiệu quả hơn.
Vào năm 2015, Ethereum đã ra mắt với tư cách là blockchain đầu tiên có thể lập trình và đã tận dụng điều đó để tạo nên một lợi thế đáng kể hơn. Ngày nay, nền tảng này tự hào có hơn 2.900 dApp và 151 tỷ USD đầu tư vào các sản phẩm DeFi. Nói cách khác, Ethereum chiếm 75% số lượng các dApp và 62% các khoản đầu tư DeFi, khiến nó trở thành blockchain có thể lập trình phổ biến nhất với biên độ dao động cực lớn.

Xem thêm: Unity, Fiserv, MongoDB: Tiềm năng lớn và đáng đầu tư hơn tiền điện tử
Giải pháp cho vấn đề mở rộng
Thật không may, sự nổi tiếng đó của Ethereum đã gây rắc rối. Khi ngày càng có nhiều người dùng giao dịch trên nền tảng này, tình trạng tắc nghẽn mạng đã khiến tốc độ xử lý chậm lại và phí tăng. Phí giao dịch đã tăng 750% trong 6 tháng qua. Rõ ràng, khả năng mở rộng đang trở thành vấn đề cấp thiết với Ethereum.
Để so sánh, VISA thường xuyên xử lý 1.700 giao dịch mỗi giây (TPS) và nền tảng thanh toán của nó về mặt lý thuyết có khả năng đạt 24.000 TPS. Trong khi đó, Ethereum chỉ có thể xử lý ở tốc độ 30 TPS. Nếu không được kiểm soát, xuất lượng thấp đó sẽ tiếp tục đẩy phí cao hơn và cuối cùng Ethereum sẽ không còn được ưa chuộng do mức phí cắt cổ.
May mắn thay, bản nâng cấp Ethereum 2.0 đã được sinh ra để giải quyết vấn đề đó. Đầu tiên, cơ chế đồng thuận Bằng chứng công việc (PoW) tiêu tốn nhiều năng lượng sẽ chuyển thành cơ chế Bằng chứng cổ phần (PoS) thân thiện với môi trường hơn. Hệ thống PoS chọn các nhà xác thực để xác minh các giao dịch dựa trên cổ phần của họ trong mạng, thay vì bắt các thợ đào sử dụng sức mạnh máy tính để giải quyết các tính toán phức tạp. Giai đoạn chuyển đổi này sẽ diễn ra vào năm 2022.
Thứ hai, quá trình nâng cấp sẽ thêm 64 chuỗi phân đoạn (shard chain) vào Ethereum. Hãy coi các chuỗi phân đoạn này như các blockchain bổ sung được kết nối với chuỗi lõi (core chain), giúp phân phối tải mạng hiệu quả hơn. Và với một vài chỉnh sửa bổ sung, các chuỗi phân đoạn đó có thể tăng xuất lượng lên 100.000 TPS, từ đó giải quyết vấn đề về khả năng mở rộng của Ethereum. Giai đoạn này sẽ đến vào năm 2023.
Quan điểm đầu tư
Mặc dù các sản phẩm dApp và DeFi hiệu quả hơn nhưng chúng không miễn phí. Người dùng trả phí giao dịch để truy cập sản phẩm và những khoản phí đó được thanh toán bằng tiền điện tử gốc, trong trường hợp của Ethereum đó là token Ether. Nói cách khác, khi các sản phẩm dApp và DeFi trên blockchain Ethereum trở nên phổ biến hơn – một khả năng rất có thể xảy ra vì những tiện ích chúng mang lại- nhu cầu đối với Ether sẽ tăng và đẩy giá của nó lên cao hơn.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây từ công ty đầu tư Nickel Digital Asset Management cho thấy các nhà đầu tư tổ chức ngày càng quan tâm đến không gian tiền điện tử. Nghiên cứu dự đoán rằng 82% các nhà đầu tư tổ chức có kế hoạch tăng mức độ tiếp xúc với tài sản kỹ thuật số vào năm 2023. Với sự phổ biến của Ethereum, chuyên gia tin rằng dòng vốn lớn này sẽ làm tăng thêm nhu cầu về Ether.
Vì những lý do trên, hiện tại dường như là thời điểm thích hợp để mua vào loại tiền điện tử này.