Ngày 16/11, hàng nghìn nhân viên tại chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks ở Mỹ đã tiến hành đình công nhằm yêu cầu cải thiện môi trường làm việc và tiền lương. Đặc biệt, nhân viên đã chọn ngày bận rộn nhất trong năm Ngày cốc đỏ.

Tổ chức công đoàn Starbucks Workers United đã chọn Ngày Cốc đỏ (Red Cup Day) truyền thống của Starbucks để kêu gọi đình công vì đây thường là một trong những ngày bận rộn nhất trong năm. Vào ngày này, khi mỗi khách hàng gọi đồ uống đặc biệt dịp lễ hội được tặng một chiếc cốc tái sử dụng.
Theo Starbucks Workers United, hàng nghìn nhân viên pha cà phê tại hàng trăm cửa hàng Starbucks ở hơn 200 thành phố trên khắp nước Mỹ đã tham gia cuộc đình công với tên gọi “Cuộc nổi loạn Cốc Đỏ” nhằm kêu gọi ban lãnh đạo Starbucks đàm phán về điều kiện làm việc quá tải do thiếu nhân viên và vấn đề tiền lương. Tuy nhiên, người phát ngôn Starbucks cho rằng chưa đến 100 cửa hàng Starbucks tham gia cuộc đình công và phần lớn trong số đó vẫn mở cửa phục vụ khách hàng.
Bà Juniper Schweitzer, một nhân viên làm việc cho Starbucks 16 năm, cho biết công ty đã hứa với nhân viên rất nhiều điều nhưng chưa đáp ứng được điều nào. Theo bà giải thích, các chương trình khuyến mãi lớn như Ngày Cốc đỏ hoặc ưu đãi mua một tặng một thường gây áp lực đối với nhân viên vì phải làm quá nhiều đồ uống nhưng thiếu nhân lực, trong khi lương thấp.
Công đoàn còn cáo buộc hãng Starbucks trì hoãn đàm phán về các hợp đồng lao động tại một số cửa hàng ủng hộ thành lập công đoàn đại diện cho quyền lợi của nhân viên.
Trong khi đó, Starbucks khẳng định lịch làm việc của các cửa hàng được đưa ra trước 3 tuần để nhân viên có thể sắp xếp. Công ty cũng thể hiện sẵn sàng đàm phán nhưng cho biết Starbucks Workers United không đồng ý trong hơn 4 tháng qua.
Cuộc đình công ngày 16/11 là cuộc đình công lớn thứ 5 của các nhân viên Starbucks kể từ khi một cửa hàng ở Buffalo (bang New York) trở thành cửa hàng đầu tiên thành lập công đoàn vào cuối năm 2021. Trong Ngày Cốc đỏ năm 2022, người lao động tại 110 cửa hàng của chuỗi đồ uống này đã đình công.

Bất chấp tranh chấp lao động, doanh thu của Starbucks vẫn ghi nhận tăng trưởng. Trong năm tài chính kết thúc ngày 1/10 vừa qua, doanh thu của chuỗi cửa hàng cà phê này đã tăng 12% lên mức kỷ lục 36 tỷ USD.
Các cuộc đình công đang lan rộng khắp Mỹ và châu Âu, khi người lao động tiếp tục đối phó lạm phát và nguy cơ mất việc ngày càng tăng do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ cao khác.
Số ngày làm việc bị mất do công nhân đình công liên quan tranh chấp lao động đã tăng vọt ở Mỹ và Anh, theo Nikkei Asia ngày 29.10. “Chúng tôi quá bận rộn với cuộc đình công và đại hội đảng Bảo thủ”, theo một nhân viên thuộc một công ty xe khách đường dài tại Manchester (Anh).
Hiệp hội các tài xế tàu điện ở Anh đã đình công vào dịp hội nghị thường niên đảng Bảo thủ, diễn ra từ ngày 1-4.10. Hành khách từ Manchester đến London bằng xe buýt mất 5 giờ, hơn gấp đôi đi tàu điện lúc bình thường.
Hiệp hội đề cập điều kiện làm việc ngày càng xấu đi, khi cho rằng tiền lương thực tế đã giảm do lạm phát. Các bác sĩ và lao động thuộc một số lĩnh vực khác tại Anh cũng đình công trong tháng 10, yêu cầu tăng lương. Tại Anh, lạm phát tăng 7,9% trong năm ngoái, mức tăng cao nhất trong 40 năm. Với lý do “khủng hoảng chi phí sinh hoạt”, nhân viên trong các dịch vụ công cộng và những lĩnh vực khác đã tổ chức các cuộc đình công. Số ngày nghỉ việc do đình công đã lên mức cao nhất trong 33 năm là 2,51 triệu ngày trong năm ngoái và dự kiến sẽ duy trì ở mức tương tự trong năm nay.
Các tranh chấp lao động cũng phản ánh những vấn đề về cơ cấu. Viện dẫn nhu cầu bảo vệ việc làm trước mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo (AI), Hội Nhà văn Mỹ tổ chức đình công từ tháng 5 đến tháng 9. Giới phân tích cho rằng với tốc độ đổi mới công nghệ hiện nay, cả doanh nghiệp và người lao động có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn để tìm ra sự cân bằng tối ưu giữa tăng trưởng và bảo đảm việc làm.