
Chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất trong Forex
Chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất trong Forex là chỉ báo nào? Quả là câu hỏi đáng giá triệu đô … Nhưng để có được đáp án đúng thì không hề dễ dàng như vậy! Sự thật là thành công đến từ kiến thức. Và kiến thức về các chỉ báo kỹ thuật là một phần rất quan trọng trong giao dịch forex.
Tại sao các chỉ báo kỹ thuật lại quan trọng như vậy?
Thị trường forex thường có diễn biến theo những cách nhất định trong những điều kiện nhất định. Tự thân thị trường sẽ luôn lặp đi lặp lại hành vi của chính nó, có nghĩa là các mô hình giá nhất định sẽ xuất hiện hết lần này đến lần khác. Và đó chính là “đất dụng võ” cho các chỉ báo forex. Chỉ báo kỹ thuật được thiết kế để nhận dạng ra các mô hình này khi chúng mới hình thành và giúp các trader diễn giải chúng theo hướng có lợi cho họ. Tuy nhiên, đa phần các forex trader thường sẽ không lưu tâm điều này vì họ cho rằng nguyên lý của các chỉ báo kỹ thuật quá phức tạp.
Từ Biên độ dao động thực (ATR), MACD, Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), cho đến Stochastic, tất cả các chỉ báo này đều nghe có vẻ giống như một môn Toán học Bí pháp nào đó chứ chẳng liên quan gì đến forex. Nhưng đừng đánh giá chất lượng gỗ qua nước sơn. Thực ra chúng không hề phức tạp như vẻ bề ngoài.
Dưới đây, cafeforexvn.com sẽ thảo luận về vai trò của các chỉ báo giao dịch trong thị trường tài chính và đặc biệt, giới thiệu bảy trong số các chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất và giải thích sự hữu dụng của chúng cho các hoạt động giao dịch của bạn trong năm 2021! Hãy nhớ rằng, nếu các chỉ báo mà bạn đang sử dụng không thể đưa ra các tín hiệu có ích và giúp bạn gặt hái được lợi nhuận thực trong một thời gian dài thì đơn giản là bạn chưa sử dụng đúng cách mà thôi.
Đường trung bình động đơn giản (SMA)
Đường trung bình động đơn giản (Simple Moving Average), hay thường được gọi là đường SMA, là chỉ báo kỹ thuật thể hiện giá đóng cửa trung bình trong một khung thời gian nhất định. Chúng được vẽ trên biểu đồ dưới dạng đường, có chức năng làm mịn hành động giá và có thể được dùng để xác định xu hướng.
Đường trung bình động đơn giản được tính bằng cách lấy một loạt mức giá đóng cửa nhất định, cộng chúng lại với nhau và chia chúng cho tổng số lượng tham số (giá đóng cửa) được sử dụng. Ví dụ, nếu bạn muốn tính SMA trong khoảng thời gian năm ngày, bạn sẽ cần cộng mức giá đóng cửa của năm ngày qua rồi chia cho 5.
Như vậy, nếu giá đóng cửa trong quãng thời gian gần đây nhất là: 80, 81, 81, 82 và 83, bạn sẽ cần cộng các mức giá này lại với nhau và chia cho năm, kết quả là trung bình là 81,4. Sau đó, mỗi khi có giá đóng cửa mới, đường trung bình sẽ “di chuyển”.
Trong trường hợp này, giả sử mức giá đóng cửa tiếp theo trong dãy số sẽ là 82, thì mức giá cũ nhất (80) sẽ bị loại bỏ và mức trung bình mới sẽ bằng 81,8.
Khung thời gian SMA mà bạn chọn càng dài thì đường này sẽ phản ứng với biến động giá càng chậm.
Khung thời gian SMA mà bạn chọn càng ngắn thì đường này sẽ phản ứng với biến động giá càng nhanh.
Đường trung bình động hàm mũ (EMA)
Đường trung bình động hàm mũ (Exponential Moving Average), hay thường được gọi là đường EMA, là chỉ báo xu hướng tương tự như Đường trung bình động đơn giản, có điều khác ở chỗ đường EMA đặt trọng số lớn hơn đối với các mức tham số gần đây nhất và giá đóng cửa của một vài cây nến đầu tiên sẽ hầu như không có tác động nhiều.
Do đó, so với đường SMA, đường EMA có phản ứng nhanh hơn với những thay đổi mới và phản ánh chính xác hơn về hành động giá gần đây. Như vậy, cùng một ví dụ như trên, nếu bạn muốn tính toán đường EMA trong khoảng thời gian năm ngày, bạn sẽ cần áp mức trọng số lớn hơn vào giá đóng cửa của ngày gần đây nhất (ngày 3, 4 và 5) và mức trọng số nhỏ hơn choo ngày 1 và 2.
Công thức tính EMA có phần phức tạp hơn và được trình bày như sau:
EMA = (Giá đóng cửa – EMA trước) x (2 / n + 1) + EMA trước
So với SMA, các trader thường cho rằng đường EMA phản ánh chính xác hơn về tình hình thị trường hiện tại vì chúng phản hồi ít nhạy hơn và do đó bị ảnh hưởng bởi số lượng các điểm dữ liệu lớn hơn.
Xem thêm: Giao dịch CFD là gì?
MACD
Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) là một chỉ báo động lượng được các trader sử dụng để giao dịch theo xu hướng.
Đường này được thiết kế để đo lường các nét đặc trưng của một xu hướng nhất định, trong đó bao gồm hướng, độ lớn và tốc độ thay đổi của xu hướng.
Chỉ báo MACD được hiển thị trên biểu đồ forex dưới dạng hai đường, gồm đường MACD và đường tín hiệu, và một biểu đồ phân phối tần suất (histogram). Chúng dao động lên xuống quanh đường trục trung tâm (đường số 0) khi các đường trung bình động hội tụ, giao cắt và phân kỳ.
Như vậy, nếu khoảng cách giữa các đường EMA bị nới rộng hơn, biểu đồ histogram sẽ tăng lên. Trường hợp này còn được gọi là trạng thái phân kỳ.
Nếu khoảng cách giữa các đường EMA tụ lại càng gần nhau thì biểu đồ histogram sẽ giảm xuống. Trường hợp này còn được gọi là trạng thái hội tụ.
Khi đường MACD cắt lên trên đường tín hiệu, điều này báo hiệu rằng thị trường đang nổi lên xu hướng tăng. Các forex trader xem đây là một tín hiệu để mua. Khi đường MACD rơi xuống dưới đường tín hiệu, điều này báo hiệu rằng thị trường đang có xu hướng giảm. Các trader xem đây là một tín hiệu để bán.
ATR
Phạm vi dao động thực trung bình (Average True Range, viết tắt là ATR) là một chỉ báo biến động cho biết mức giá dao động trung bình trong khoảng thời gian đã chọn.
ATR có thể được giải nghĩa như sau:
- Giá trị của chỉ báo càng cao thì xu hướng càng có nhiều khả năng thay đổi.
- Giá trị của chỉ báo càng thấp thì xu hướng càng yếu và ít có khả năng thay đổi xu hướng.
Nên nhớ rằng, chỉ báo ATR không có tác dụng xác định xu hướng, mà thay vào đó là xác định mức độ biến động giá và được sử dụng để xác nhận xem thị trường có khuynh hướng bứt phá khỏi vùng giá hay không.
Chỉ báo Stochastic
Chỉ báo dao động Stochastic là một chỉ báo kỹ thuật phổ biến được sử dụng để dự đoán các pha đảo ngược xu hướng.
Chỉ báo Stohastic vận hành dựa trên lý thuyết rằng động lượng giá sẽ thay đổi trước khi giá thực sự thay đổi hướng. Do đó, các forex trader thường sử dụng chỉ báo dao động Stochastic để dự đoán khi nào thị trường đảo ngược xu hướng.
Chỉ báo dao động này có nguyên lý hoạt động như sau:
- Trong xu hướng tăng, giá hiện tại vẫn bằng hoặc cao hơn giá đóng cửa trước đó.
- Trong xu hướng giảm, giá vẫn bằng hoặc thấp hơn giá đóng cửa trước đó.
Đây là một chỉ báo gồm hai đường có thể được áp dụng cho bất kỳ biểu đồ nào và dao động trong khoảng từ 0 đến 100. Chỉ báo kỹ thuật Stochastic cũng cho các trader biết khi nào thị trường quá mua hoặc quá bán.
- Khi chỉ báo Stochastics lớn hơn 80, điều này cho thấy thị trường đang ở trạng thái quá mua.
- Khi chỉ báo Stochastics nhỏ hơn 20, điều này cho thấy thị trường đang ở trạng thái quá bán.
Chỉ báo động lượng
Chỉ báo động lượng (Momentum Indicator, viết tắt là MI) là một loại chỉ báo dao động xác định khi nào giá đang trong xu hướng tăng hoặc giảm và độ mạnh của xu hướng đó.
Chỉ báo này có tác dụng đo lường tốc độ thay đổi của giá so với chính những thay đổi của diễn biến giá thực tế.
Chỉ báo động lượng có thể được diễn giải như sau:
- Nếu mức giá gần đây nhất cao hơn mức giá trong quá khứ thì điều này có nghĩa là MI là dương.
- Nếu mức giá gần đây nhất thấp hơn mức giá trong quá khứ thì điều này có nghĩa là MI là âm.
- Nếu giá trị động lượng lớn hơn 0, điều này cho thấy giá đang trong xu hướng tăng.
- Nếu giá trị động lượng nhỏ hơn 0, điều này cho thấy giá đang trong xu hướng giảm.
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)
Chỉ số sức mạnh tương đối hay RSI là một chỉ báo động lượng dao động được sử dụng trong các phép phân tích kỹ thuật để đo lường sức mạnh hoặc độ yếu của một cặp tiền tệ nào đó bằng cách so sánh sóng tăng của cặp này so với sóng giảm trong một khoảng thời gian nhất định.
Chỉ báo này có tác dụng theo dõi các khoản lãi và lỗ gần đây và so sánh chúng với giá hiện tại.
Chỉ số Sức mạnh Tương đối được biểu diễn dưới dạng một chỉ báo dao động và có giá trị nằm trong khoảng từ 0 đến 100.
Nhiều trader tin rằng khi tài sản có mức RSI ở khoảng 70 là trong vùng quá mua, trong khi tài sản có RSI ở khoảng 30 là quá bán.
Nếu giá chạm hoặc đến gần một trong những điểm cực trị này (0 hoặc 100), điều này thường có nghĩa là thị trường sắp đảo chiều.
Đăng Khoa-Theo forexsignals