
Theo Grand View Research, thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu có trị giá khoảng 62 tỷ USD vào năm 2020 nhưng có thể tăng trưởng với tốc độ 40% mỗi năm cho đến năm 2028. Nếu bạn chưa sở hữu cổ phiếu AI nào trong danh mục đầu tư dài hạn của mình thì có thể lúc này là thời điểm thích hợp để bắt đầu cân nhắc về chuyện đó.
Ba cổ phiếu AI hàng đầu nên mua trong tháng 2
Làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ và các công ty tăng trưởng cao trong thời gian gần đây đã mang lại cơ hội mua vào rất béo bở cho các nhà đầu tư nào chịu khó mạnh dạn và kiên nhẫn. Dưới đây là ba mã cổ phiếu AI hàng đầu có ưu thế đặc biệt dựa trên các thuật toán của riêng họ và giá cổ phiếu của những công ty này cũng đang ở mức rất hấp dẫn ở thời điểm hiện nay.
Tầm quan trọng của việc trở thành “kẻ dẫn đầu”
Công nghệ có thể thay đổi với tốc độ chóng mặt và không ai có thể biết chắc rằng những người chiến thắng ngày hôm nay vẫn sẽ giữ vương miện vào ngày mai hay không, vào một năm kể từ bây giờ hoặc một thập kỷ kể từ bây giờ hay không. Tuy nhiên, việc trở thành “kẻ dẫn đầu” có thể sẽ tạo lợi thế cho các công ty AI, đặc biệt là những công ty có áp dụng phương pháp máy học (machine learning), theo đó các thuật toán sẽ bắt chước tâm trí con người, thích nghi và học hỏi từ bộ dữ liệu cấp cho chúng theo thời gian.
Các thuật toán này thực hiện tác vụ nhất định nào đó càng lâu thì chúng càng có xu hướng hoàn thành tác vụ tốt hơn. Những công ty có áp dụng kỹ thuật machine learning để tiếp sức cho hoạt động kinh doanh của họ thì có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh chống lại các đối thủ đe dọa mới hơn nhưng chưa trải qua quá trình phát triển đó. Với tư cách là nhà đầu tư, có thể bạn sẽ cần ghi nhớ điều đó khi xem xét một số cổ phiếu dẫn đầu tiềm năng trong phân khúc AI.
Xem thêm: Infina Việt Nam huy động 6 triệu USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng
Upstart Holdings
Điểm tín dụng FICO chính là đặc điểm nhận dạng tài chính của nhiều người. Dữ liệu thường xác định xem một người nào đó được chấp thuận cho vay hoặc được cấp vốn để mua một chiếc xe hơi hay không. Điểm FICO đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua và các tiêu chí chấm điểm này được tính dựa trên một số ý tưởng kinh điển về mức tín nhiệm. Upstart Holdings (NASDAQ:UPST) đang khuấy đảo ngai vàng của điểm tín dụng FICO bằng cách kết hợp các thuật toán để đưa ra quyết định cho vay thông qua việc sử dụng dữ liệu người tiêu dùng chứ không phải điểm tín dụng của từng cá nhân.
Công ty này tuyên bố rằng công nghệ của họ sẽ giúp tạo ra các khoản vay với cùng tỷ lệ phê duyệt trong khi lại giảm 75% các trường hợp vỡ nợ. Doanh thu cơ bản của Upstart đến từ các khoản phí mà công ty nhận được khi giới thiệu các khoản vay cho mạng lưới các đối tác cho vay. Họ hiện đang hợp tác với 31 công ty cho vay, cao hơn so với 10 năm trước và một số ít trong số đó thậm chí đã hoàn toàn từ bỏ quy chuẩn điểm FICO mà chỉ dựa vào công nghệ của Upstart.
Doanh thu của Upstart trong quý 3 năm 2021 tăng 250% so với cùng kỳ năm liền trước lên 228 triệu USD và công ty này vốn đã làm ăn có lãi khi tạo ra 29,1 triệu USD thu nhập ròng trong quý. Giá cổ phiếu UPST đã giảm hơn 70% trong làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ lần này, mà đây có thể là một cơ hội rất tuyệt vời để mua vào khi Upstart lấn sân sang các danh mục cho vay mới trong những năm tới, chẳng hạn như ô tô và thế chấp.
Affirm Holdings
Với các khoản vay mua ngay, trả sau (BNPL), người tiêu dùng có thể vay để mua một món hàng và trả lại theo một số đợt cố định, thường là không tính lãi suất. Mô hình BNPL đang ngày càng trở nên phổ biến, đe dọa chiếm mất ưu thế kiểm soát của các công ty thẻ tín dụng đối với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Affirm Holdings (NASDAQ:AFRM) là một trong những công ty hàng đầu chuyên về BNPL, sử dụng các thuật toán để đưa ra quyết định cho vay tại thời điểm bán hàng, ngay khi khách hàng đang mua hàng, từ đó phân tích số tiền để người dùng phê duyệt.
Affirm đang tự định vị rất tốt trong sân chơi thương mại điện tử khi ra sức hợp tác với các tập đoàn bán lẻ trực tuyến cỡ lớn như Amazon, Shopify, Walmart, Target và nhiều thương hiệu khác mà người dùng có thể mua sắm thông qua ứng dụng điện thoại thông minh của Affirm. Ngành công nghiệp BNPL đã thu hút được sự chú ý đôi chút sau khi có một nguồn tin chỉ ra rằng một phần ba số người đi vay ở Mỹ đã bị phụ thuộc vào cả khoản trả góp BNPL. Nhưng khi nhìn vào hồ sơ thu nhập của Affirm cho quý tài chính kết thúc vào ngày 30/09/ 2021, chỉ có khoảng 5% số dư cho vay của công ty là còn giữ lại, điều này có thể cho thấy rằng các thuật toán của Affirm đang đưa ra các quyết định cho vay tốt hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.
Cổ phiếu này đã giảm gần mức giá thấp nhất kể từ khi bắt đầu chào bán công khai vào năm ngoái, trước khi Affirm công bố quan hệ đối tác với Amazon. Trên hết, Affirm sẽ ra mắt thẻ ghi nợ trong năm nay, qua đó giúp cho người dùng có khả năng sử dụng Affirm tại các cửa hàng thực, sau đó chia nhỏ các khoản giao dịch mua thành các đợt thanh toán BNPL.
Opendoor Technologies
Bất động sản được cho là ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Chỉ riêng tổng giá trị của các ngôi nhà ở Mỹ đã lên tới 29 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, quá trình mua nhà không thay đổi nhiều trong nhiều thập kỷ qua. Opendoor Technologies (NASDAQ:OPEN) là doanh nghiệp đi tiên phong trong mô hình iBuying, tức là mô hình kinh doanh mua nhà bằng tiền mặt và bán lại trên thị trường mở. Công ty này sử dụng các thuật toán để định giá các khoản đề nghị mua nhà và đánh giá động lực của thị trường nhà ở.
Công ty công nghệ bất động sản Zillow Group là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Opendoor và họ đã cố gắng lao vào mô hình iBuying để tạo sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên, các mô hình định giá chưa đủ “độ chin” của Zillow đã khiến công ty này đưa ra các quyết định mua sắm kém hiệu quả, gây thiệt hại về tài chính và buộc Zillow phải rời bỏ iBuying. Điều này giúp cho Opendoor chỉ còn có một đối thủ cạnh tranh trực tiếp đáng chú ý có tên là Offerpad.
Nói chung, thị trường đã quay lưng lại với iBuying khi Zillow rời khỏi cuộc chơi, từ đó đẩy giá trị cổ phiếu của Opendoor xuống mức vốn hóa thị trường chỉ còn 6 tỷ USD, tương ứng với một phần nhỏ so với mức doanh thu gần 15 tỷ USD mà các nhà phân tích kỳ vọng vào năm 2022. Nếu Opendoor có thể làm ăn có lãi và chứng minh rằng họ có thể thực hiện mô hình iBuying trong dài hạn, cổ phiếu này có thể sẽ khởi sắc nhiều hơn trong tương lai nhờ ngành bất động sản có quy mô vô cùng khổng lồ với dư địa tăng trưởng nhiều không kể xiết.